Làn sóng trái phiếu doanh nghiệp
(Taichinh) - Với nhiều lý do, trái phiếu doanh nghiệp đang được các doanh nghiệp và công ty chứng khoán lựa chọn như một công cụ trợ giúp đắc lực để gia tăng tiềm lực tài chính.
Thị trường nợ tăng trưởng rất mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Chi phí vay vốn rẻ khiến nhiều doanh nghiệp tích cực phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ, còn các nhà đầu tư thì muốn tìm kiếm kênh đầu tư mới.
Khi các công ty chứng khoán vào cuộc đua
Làn sóng trái phiếu doanh nghiệp đã được khơi mào từ cuối năm ngoái bởi hàng loạt công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán (CTCK) có tên tuổi đẩy mạnh vay vốn qua kênh trái phiếu, một công cụ nợ hữu ích khi lãi suất liên tiếp giảm. Công ty Chứng khoán Sài gòn (SSI) đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu SSIBond không chuyển đổi tính từ đầu năm 2015. Đại hội cổ đông của Công ty chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cũng thông qua giá trị phát hành trái phiếu lên đến 1.200 tỷ đồng. Không những thế, các CTCK mạnh về mảng tư vấn phát hành trái phiếu cũng gia nhập cuộc chơi huy động trái phiếu cho chính họ. Đơn cử, trong tháng 1/2015, Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu trơn (không chuyển đổi), không có tài sản đảm bảo cho 86 nhà đầu tư cá nhân.
Để phát hành thành công trái phiếu, tiêu chí uy tín và thị phần của các CTCK được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, tính thanh khoản cao và các ưu đãi về thuế/phí cũng khá hấp dẫn người mua. Trái chủ của trái phiếu SSI cam kết mua lại trái phiếu định kỳ 6 tháng một lần. Hay như trái phiếu của VCBS được miễn phí giao dịch chuyển nhượng và hỗ trợ về thuế chuyển nhượng nếu trái chủ nắm giữ trên 3 tháng.
Thị trường nợ được ưu ái hơn thị trường vốn
Lãi suất trung bình của các trái phiếu CTCK phát hành thường là 8,2 – 8,5%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần và biên độ chênh lệch chỉ từ 1,5 – 2% so với lãi suất tiền gửi trả sau của 4 ngân hàng quốc doanh lớn. Do đâu mà trái phiếu doanh nghiệp lại có sức hấp dẫn khiến cho hàng loạt công ty chứng khoán lao vào cuộc đua?
Thứ nhất, doanh số cho vay đầu tư chứng khoán (margin) vẫn là hoạt động sinh lời tốt với tỷ suất lợi nhuận biên 6% (giá mua vốn kinh doanh chỉ 8%/năm, trong khi cho vay đầu tư chứng khoán lên đến 14%/năm). Do đó, nguồn vốn dư dả phục vụ cho vay đầu tư chứng khoán là cái đích mà hầu hết các CTCK hướng đến.
Thứ hai, các CTCK nhắm ngay đến các trái chủ tiềm năng, phần lớn là nhà đầu tư cá nhân hiện đã và đang giao dịch tại CTCK đó. Nhà đầu tư cá nhân thường không quá chú trọng tới tài sản đảm bảo mà quan tâm hơn đến lợi suất và tính thanh khoản (dễ dàng chuyển đổi thành tiền và trả lãi định kỳ). So sánh với việc gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lãi suất 5,5%/năm, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao hơn: 8,5%/năm. Hơn thế, CTCK sẽ mua lại theo đợt 6 tháng/lần hoặc được cầm cố, thế chấp tại chính CTCK đó. Như vậy, đầu tư vào trái phiếu của CTCK đáp ứng được tiêu chí lợi suất hấp dẫn cũng như thanh khoản cao; đồng thời, mở ra cơ hội phát triển của thị trường nợ bấy lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ.
Thứ ba, ảnh hưởng sâu rộng của Thông tư 36 do Ngân hàng Nhà nước ban hành tác động đến nguồn vốn cho vay đầu tư chứng khoán khiến cho dòng chảy vốn từ ngân hàng thương mại sang các CTCK bị hẹp lại rõ rệt. Ngân hàng thương mại chỉ được phép cho vay tối đa 5% vốn tự có đối với hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán. Hết nguồn “sữa mẹ” dồi dào, các CTCK phải chủ động cơ cấu lại vốn vay và trong bối cảnh đó, trái phiếu doanh nghiệp trở thành một công cụ trợ giúp đắc lực.
Khi hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán là nồi cơm chính của các CTCK, hiện tượng ồ ạt phát hành trái phiếu huy động vốn không còn khó hiểu nữa. Làn sóng trái phiếu của CTCK xuất phát từ nhu cầu vốn thực tế của doanh nghiệp kết hợp với yếu tố thuận lợi của thị trường nợ. Đồng thời, thị trường nợ đang thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư khi họ bắt đầu để mắt tới các công cụ đầu tư lãi suất cố định, thay vì công cụ cổ phiếu chịu biến động trồi sụt thất thường. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp chưa được niêm yết công khai phổ biến và thiếu cơ quan định giá độc lập xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.
Phát hành trái phiếu để đảo nợ
Thực tế đã chứng minh, dòng tiền từ chứng khoán và bất động sản hoạt động như bình thông nhau và thậm chí làn sóng phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ của các công ty bất động sản diễn ra âm thầm trước cả các công ty chứng khoán. Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã CK: NLG), một trong các công ty phát triển bất động sản có tiếng tại TP.HCM với thương hiệu nhà phân khúc bình dân Ehome. Vào thời điểm thị trường khó khăn nhất, năm 2011, NLG chấp nhận phát hành 9.214 trái phiếu (tương đương 92,14 tỷ đồng) kỳ hạn 2 năm với lãi suất cao cắt cổ 27%/năm nhằm tài trợ vốn lưu động cho các dự án tại Long An.
Cũng trong năm 2011, NLG huy động được 50 tỷ đồng trái phiếu từ Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM với lãi suất tuy giảm, nhưng vẫn khá cao là 18,5%/năm. Tại thời điểm đó, đói vốn, hàng tồn kho tăng cao, doanh thu sụt giảm là thực tế u ám mà hầu hết các công ty bất động sản như Nam Long đều phải nếm trải.
Khi 2 trái phiếu trên sắp đáo hạn, năm 2013, Nam Long ngay lập tức phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm cho Ngân hàng Phát triển TP.HCM với lãi suất thấp hơn hẳn, 14%/năm trong năm đầu và thả nổi với biên độ 4%/năm trong 2 năm tiếp theo. Mục đích phát hành là để tài trợ vốn cho dự án Ehome của Nam Long, nhưng ngầm hiểu là tái cơ cấu toàn bộ khoản nợ vay lãi cao.
Đảo nợ đối với các doanh nghiệp bất động sản là yếu tố mang tính sống còn, giúp tạo ra nguồn vốn liên tục, đồng thời, cắt giảm chi phí vay khi các dự án tiêu tốn lượng vốn lớn. Xét trên phương diện khác, trái phiếu doanh nghiệp đang được nhà đầu tư để mắt tới trong giai đoạn thiếu công cụ đầu tư lãi suất cố định. Đối với doanh nghiệp, họ đang tận hưởng ngày tháng “vàng son” do lãi suất đi vay khá dễ thở. Lãi suất giảm không có nghĩa là các doanh nghiêp tích cực đảo nợ nhằm giảm chi phí tài chính mà quan trọng hơn, phải cơ cấu nợ về tỷ trọng và kỳ hạn hợp lý. DN
Vấn đề Đảo nợ đối với các doanh nghiệp bất động sản là yếu tố mang tính sống còn