Lan tỏa hiệu quả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe máy
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông. Để lan tỏa hiệu quả của loại hình bảo hiểm này, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh triển khai.
Sau gần 15 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đã mang lại lợi ích thiết thực khi kịp thời động viên, hỗ trợ nạn nhân các vụ tai nạn giao thông, khắc phục hậu quả nhanh chóng, giúp cho chủ xe, người điều khiển xe và nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh - xã hội.
Hiện nay, mặc dù tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô được thực hiện khá tốt (ước tính khoảng 90% số xe ô tô đang lưu thông tham gia bảo hiểm), tuy nhiên tỷ lệ này đối với chủ xe máy, mô tô còn thấp (khoảng 30%).
Một trong những nguyên nhân phải kể đến là nhận thức của người dân về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là chưa cao. Nhiều người dân tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe máy chỉ mang tính chất “đối phó” và cho rằng thủ tục bồi thường bảo hiểm còn khó khăn cho người muốn yêu cầu bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm.
Trên thực tế, tất cả các quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đều được quy định tại Điều 16, Nghị định số 03/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Thậm chí, Nghị định số 03/2021/NĐ-CP còn tạo cơ chế “thông thoáng” hơn so với quy định trước đó khi hồ sơ bồi thường bảo hiểm không cần hồ sơ Công an (trừ trường hợp các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách).
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp bảo hiểm, khi tai nạn xảy ra, hầu như khách hàng không nhớ đến việc đã tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, không thông báo tai nạn cho doanh nghiệp bảo hiểm, dẫn đến việc không còn hiện trường tai nạn và doanh nghiệp bảo hiểm không có hiện trường để phục vụ phân lỗi các bên. Điều này khiến doanh nghiệp bảo hiểm không đủ bằng chứng để lập hồ sơ bồi thường cho khách hàng.
Khoản 5, Điều 16, Nghị định số 03/2021/NĐ-CP quy định, hồ sơ bồi thường cần phải có “Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm lập được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm”. Như vậy, dù doanh nghiệp bảo hiểm muốn chi trả bảo hiểm cho khách hàng cũng không đủ điều kiện để chi trả bảo hiểm khi không lập được hồ sơ bồi thường.
Như vậy, để thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ phương tiện xe mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam, trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm và ý nghĩa của loại hình bảo hiểm bắt buộc này. Từ đó, tăng cường tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe giới nói chung và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy nói riêng.
Công tác tuyên truyền cần nhấn mạnh đến tính chất bắt buộc nhưng cũng cần nêu vai trò an sinh xã hội của loại hình bảo hiểm này. Bởi lẽ một phần phí bảo hiểm mà người dân tham gia bảo hiểm mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới nhằm mục đích chi hỗ trợ nhân đạo, chi xây dựng các công trình đề phòng hạn chế tổn thất tai nạn giao thông đường bộ, chi tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ và chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Doanh nghiệp bảo hiểm cần đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, cách thức yêu cầu bồi thường bảo hiểm sao cho người dân yên tâm khi tham gia bảo hiểm.
Ngoài trên các phương tiện truyền thông truyền thống, có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 trong việc truyền tải những nội dung quyền lợi, hướng dẫn bồi thường trên website, App của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc khi quét các mã QR code trên giấy chứng nhận bảo hiểm...
Về phía các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa về hành lang pháp lý, tạo cơ chế thông thoáng hơn đối với từng trường hợp tai nạn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, cũng như kết hợp các ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc bồi thường hoặc khi phân lỗi giữa các bên...
Có thể nói, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có ý nghĩa rất quan trọng, là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, việc vào cuộc của tất cả các bên trong triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả chính sách này là rất cần thiết.