Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công

Huy Nguyễn

Trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hải Phòng và Bình Dương liên quan đến liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP, trong đó có nội dung về xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công.

Trước đó, gửi kiến nghị trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri TP. Hải Phòng đề nghị nghiên cứu, rà soát sửa đổi Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.

Trong khi đó, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị xem xét quy định cho phép địa phương được sửa dụng nguồn vốn sự nghiệp, vốn chi thường xuyên đã được bố trí dự toán trong năm để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình có quy mô nhỏ, công trình có nhu cầu đột xuất để đảm bảo nhiệm vụ địa phương và phục vụ nhu cầu cấp thiết của nhân dân.

Trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hải Phòng và Bình Dương, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC, trong đó quy định đối với kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

Vì Luật Đầu tư công “trói” các nguồn vốn cải tạo, nâng cấp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, không phù hợp với thực tiễn hoạt động quản lý hiện nay. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tế, kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội, bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính đã 2 lần báo cáo Chính phủ (sau khi xin ý kiến 21 bộ, ngành và 63 địa phương) và 1 lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.

Tuy nhiên, ngày 15/5/2023, Tổng thư ký Quốc hội đã có Văn bản số 2276/TB-TTKQH thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các đề nghị của Chính phủ. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các nội dung đề nghị thí điểm, trong đó, việc thực hiện thí điểm cần phải có địa chỉ, thời gian, giới hạn cụ thể, không quy định như một đạo luật khác song song với luật hiện hành; hoàn thiện cơ sở, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6 hoặc vào thời gian phù hợp.

Trên cơ sở đó, ngày 7/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023, trong đó đối với vấn đề xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất nội dung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 10/7/2023.

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ được giao.