Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Lập “kịch bản” thích ứng với dịch bệnh để hoàn thành các chỉ tiêu trong chặng “nước rút”

Đức Bảo

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, mặc dù số người tham gia BHXH trong những tháng cuối năm 2021 có xu hướng tăng trở lại so với các tháng đầu năm, nhưng so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra vẫn ở mức thấp. Chính vì vậy, trong những ngày còn lại của năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam lập kịch bản thích ứng linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 để nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số người tham gia các loại hình bảo hiểm đều tăng

BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 11/2021, số người tham gia BHXH trên toàn quốc đạt 16,202 triệu người, tăng 649,5 nghìn người so với tháng 10/2021, tăng 38,7 nghìn người so với cuối năm 2020.

Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,909 triệu người, tăng 598,6 nghìn người so với tháng 10/2021. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,292 triệu người, tăng 50,8 nghìn người so với tháng 10/2021. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,207 triệu người, tăng 598 nghìn người so với tháng 10/2021.

Đối với loại hình bảo hiểm y tế (BHYT), đến hết tháng 11/2021, toàn quốc có hơn 85,4 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ đạt 87,52% dân số, tăng 1,058 triệu người so với tháng 10/2021. Tuy nhiên, so với cuối năm 2020, số người tham gia BHYT giảm hơn 2,5 triệu người.

Cùng với đó, tuy tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN tăng nhanh, nhưng so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao 11 tháng đầu năm 2021 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN chiếm 5,8% số phải thu, tăng 0,4% so với tỷ lệ nợ cùng kỳ năm 2020.

Trên cơ sở kết quả phát triển đối tượng các loại hình bảo hiểm trên, BHXH Việt Nam tính toán, từ nay đến hết năm 2021, số người tham gia còn phải phát triển để đạt kế hoạch đề ra là rất lớn. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn khi chỉ còn hơn 20 ngày để nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, số người nhận BHXH một lần mặc dù đã giảm, nhưng số lũy kế 11 tháng năm 2021 vẫn lên tới gần 1 triệu người.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, trong những tháng cuối năm, mặc dù tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT có tăng so với các tháng đầu năm, nhưng vẫn cần đẩy nhanh tốc độ hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu trong công tác này.

Để hoàn thành mục tiêu, cơ quan BHXH các cấp cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp đồng bộ, đột phá với quyết tâm, nỗ lực cao hơn trong chặng “nước rút”.

Lập kịch bản cho công tác thu, phát triển đối tượng

Theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, không theo kịch bản của BHXH đề ra từ đầu năm. Để hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ và ngành đã đặt ra trong năm 2021, trong những ngày còn lại của tháng 12, toàn Ngành phải quyết tâm, nỗ lực lớn hơn nữa.

Ngoài các giải pháp thường xuyên, theo kịch bản hướng dẫn, các chuyên quản thu, cán bộ truyền thông ở các địa phương phải bám sát từng đơn vị sử dụng lao động để xác định được số lượng người lao động đã quay lại làm việc để lập danh sách tham gia; làm việc với các nhà trường để vận động, hỗ trợ học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Tăng cường các giải pháp để hệ thống đại lý thu vào cuộc vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan BHXH các địa phương về công tác này…

Định hướng chỉ đạo triển khai nhiệm vụ trong những ngày cuối năm, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, toàn Ngành cần có những kịch bản để thích ứng và có giải pháp linh hoạt nỗ lực chạy “nước rút”, để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2021.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam lưu ý, BHXH các địa phương cần tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các đại lý thu để chỉ đạo, thực hiện quyết liệt công tác phát triển đối tượng.

Theo dõi nắm sát tình hình dịch chuyển lao động và sức khoẻ doanh nghiệp, nhất là người lao động trở về quê tham gia vào các doanh nghiệp ở địa phương để hỗ trợ, tuyên truyền, vận động tham gia; đồng thời, tiếp tục rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế.

Đồng thời, BHXH các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điện tử; sử dụng tốt nguồn cơ sở dữ liệu của ngành để phát hiện các hành vi vi phạm, đôn đốc, nhắc nhở nếu không chuyển biến thì tiến hành thanh tra đột xuất.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH các địa phương cần tiếp tục cơ cấu lại nhóm người tiềm năng cần vận động tham gia BHXH, BHYT; đặc biệt là nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, người đã tham gia đang tạm dừng; nhóm người không còn được hỗ trợ tham gia BHXH, BHYT.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT hộ gia đình; đồng thời, qua tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích chính sách BHXH, BHYT với các loại hình bảo hiểm thương mại.

Ngoài các giải pháp trên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị cán bộ, công chức trong toàn Ngành tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; theo dõi, đánh giá để kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác.

BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 11/2021, số người tham gia BHXH trên toàn quốc đạt 16,202 triệu người, tăng 649,5 nghìn người so với tháng 10/2021, tăng 38,7 nghìn người so với cuối năm 2020. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,909 triệu người, tăng 598,6 nghìn người so với tháng 10/2021. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,292 triệu người, tăng 50,8 nghìn người so với tháng 10/2021. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,207 triệu người, tăng 598 nghìn người so với tháng 10/2021.