Lấy lại thị trường cho hàng Việt
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản cần chủ động tìm kiếm hướng đi mới để tăng cơ hội tại nhiều thị trường xuất khẩu.
Bước sang năm 2020, ngành nông nghiệp kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ đạt 42 tỷ USD, con số cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu đã khiến hầu hết sản phẩm hàng nông sản giảm giá trên 50% và mất doanh thu tại nhiều thị trường xuất khẩu “tỷ đô” như Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu (EU)… Thậm chí những thị trường lớn ở khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng chìm trong khủng hoảng, ngừng giao dịch. Đến thời điểm này, một số thị trường gần với Việt Nam như Philippines, Indonesia, Singapore… vẫn còn trong tình trạng cách ly xã hội cho thấy, xuất khẩu nông sản sẽ còn gian nan đến hết năm 2020.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định, dịch bệnh cộng với những khó khăn chung của kinh tế thế giới đang khiến nhiều quốc gia có xu hướng tự sản xuất, tự cung cấp nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu, trong đó có nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng khiến sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn.
Tại Việt Nam, xét về tổng thể, đa số nông sản của các doanh nghiệp nội vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các quy chuẩn về hàng hóa tại nhiều thị trường xuất khẩu. Vì vậy, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững sau đại dịch, ngành nông nghiệp cần nhanh chóng tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ và tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất…
Về phần mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản cũng cần chủ động tìm kiếm hướng đi mới để tăng cơ hội tại nhiều thị trường xuất khẩu. Cụ thể như Tập đoàn Lộc Trời đã tăng khả năng xuất khẩu lúa gạo của doanh nghiệp tại thị trường EU bằng việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại Châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Doanh nghiệp sẽ sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu trước mùa vụ. Sau đó, Lộc Trời sẽ ký hợp đồng để thực hiện tổ chức vùng nguyên liệu, cung ứng toàn bộ giống, vật tư nông nghiệp và cử nhân viên thực hiện kiểm soát toàn bộ các khâu trên đồng ruộng theo quy trình nền tảng lúa bền vững, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất được nguồn gốc. Việc này giúp minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm lúa gạo, đặc biệt là với thị trường EU đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất và chú trọng đến yếu tố môi trường. Hiện doanh nghiệp Lộc Trời chiếm 17% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU, riêng gạo Jasmine chiếm hơn 50%.
Bà Lê Việt Nga cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn và sụt giảm 4,1% trong 5 tháng đầu năm 2020. Nhưng đây vẫn được đánh giá là ngành có mức độ rủi ro thị trường thấp, vì bất ổn chỉ có tính nhất thời. Khi dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu sẽ ổn định trở lại vì nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp là rất lớn và bền vững. Vì khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu này sẽ bật tăng lên và là cơ hội để hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản tăng xuất khẩu.
Những nhóm hàng cụ thể như thủy sản, khi dịch bệnh tạm lắng tại Trung Quốc, trong tháng 4/2020 nước này đã tăng nhập khẩu thủy sản Việt trên 1 triệu USD so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng tăng đến gần 20%… Riêng thị trường trong nước cũng là điểm mạnh tiêu thụ để doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Bởi hiện tại nhóm hàng xa xỉ, cũng bắt đầu có sức mua trở lại. Còn các ngành hàng như thực phẩm chế biến, lương thực, thủy sản… luôn được tiêu thụ tốt. 5 tháng/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt 311 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với tháng 4/2020.