Bộ Tài chính:

Lấy ý kiến các quy định về tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Minh Hà

Ngày 28/2/2023, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ban, ngành ở Trung ương, đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại các điểm cầu trực tuyến và các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học.

Quy định về tài chính đất đai chưa theo kịp thay đổi của thực tiễn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai nói chung và tài chính đất đai nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng; tạo lập hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, chặt chẽ cho việc huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị.   
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị.   

Trong đó, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách nhà nước (số thu từ đất đai giai đoạn từ năm 2013 - 2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm trung bình khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước).

Chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Chính sách đất đai về nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng sau gần 10 năm thi hành, các quy định tại Luật Đất đai năm 2013, trong đó có các quy định về tài chính đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã chỉ ra một số hạn chế, cụ thể: Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững. Bên cạnh đó, các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế...

 “Các nội dung nêu trên đều là các vấn đề lớn, có tác động sâu, rộng đến nhiều mặt, nhiều tầng lớp, thành phần xã hội. Vì vậy, theo sự phân công của Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị ngày hôm nay lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tài chính đất đai quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Hiến kế chuyên sâu các quy định về tài chính đất đai

Gợi ý các nội dung trọng tâm về tài chính đất đai trong Luật Đất đai (sửa đổi), Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh cho biết, khi sử dụng đất kết hợp, đất hỗn hợp thì thực hiện theo chế độ giao đất hay cho thuê đất, từ đó xác định khoản thu tài chính từ đất đai của loại đất này là thu tiền sử dụng đất hay thu tiền thuê đất, hay cả 2 loại đất này. Bởi theo quy định tại dự thảo Luật thì các loại đất có chế độ sử dụng đất khác nhau, cụ thể: Đất ở, đất hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa thì có thời hạn ổn định, lâu dài và Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; đất nông nghiệp và đất sản xuất - kinh doanh thì Nhà nước cho thuê có thời hạn và thu tiền thuê đất.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) gợi ý các nội dung trọng tâm để các đại biểu, chuyên gia hiến kế các quy định về tài chính đất đai. 
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) gợi ý các nội dung trọng tâm để các đại biểu, chuyên gia hiến kế các quy định về tài chính đất đai. 

Nêu vấn đề về khoản thu từ dịch vụ công từ đất đai, Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh cho rằng, cần phải quy định các khoản thu từ dịch vụ công từ đất đai, vì Điều 149 dự thảo Luật đã quy định các khoản thu tài chính từ đất đai. Hiện nay, các khoản thu từ dịch vụ công được xác định là nguồn thu hợp lý, hợp lệ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ phù hợp để cung cấp dịch vụ công.

“Để đảm bảo phù hợp với pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công khi xử lý tài sản công là nhà, đất thì có nên bổ sung một số khoản đối với trường hợp xử lý tài sản công là nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì căn cứ để giao đất, cho thuê đất gồm: Quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về giao, điều chuyển, chuyển giao, bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Kết quả đấu giá, kết quả bán (trong trường hợp bán, chuyển nhượng); Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản”, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết.

Liên quan đến Bảng giá đất quy định tại Điều 154, đại diện Cục Quản lý công sản cho rằng, việc xây dựng Bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn theo quy định có khả năng thực hiện không? Cần những điều kiện và lộ trình thực hiện thế nào? Có cần quy định về phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật hay không?...

Trên cơ sở gợi ý của Bộ Tài chính, phát biểu ý kiến tại điểm cầu Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Cường - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, việc áp dụng giá đất theo Nghị quyết số 18-NQ/TW là theo nguyên tắc thị trường, nhưng sau thời gian áp dụng Bảng giá đất đưa ra quá thấp. Trên thực tế, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất công, do đó Nhà nước quyết định mức giá để thị trường vận hành theo mức giá này.

“Tại dự thảo Luật Đai đai (sửa đổi) lần này, chúng ta xây dựng Bảng giá đất để tất cả các giao dịch về đất xoay xung quanh Bảng giá đất, tức là không phải chỉ có đẩy giá đất lên mà còn kéo giá đất xuống. Về quyền sở hữu, có một số ý kiến cho rằng, cần phải đưa giá đất ra Hội đồng định giá độc lập cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Vì Nhà nước là đại diện sở hữu toàn dân, có quyền quyết định giá đất, ở các quốc gia, ai có đất thì có quyền định giá, nên không thể chuyển quyền định giá cho một tổ chức nào. Chủ tài sản phải là người quyết định giá tài sản”, ông Phạm Đình Cường cho hay.

Phát biểu từ điểm cầu tỉnh Đắk Nông, ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước về đất năm 2022 đạt 689 tỷ đồng, chiếm 20% tổng thu ngân sách của Tỉnh. Tuy nhiên, qua thực hiện xuất hiện nhiều vướng mắc, như xác định giá đất, bảng giá đất…

Toàn cảnh hội nghị. 
Toàn cảnh hội nghị. 

Ông Lê Trọng Yên cho rằng, việc xác định giá đất khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết khó thực hiện trên thực thực tế, vì khó đánh giá tính tăng giảm của điều chỉnh quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đề xuất cần xây dựng bảng giá đất theo vùng, theo vị trí, tùy thuộc từng tuyến đường đến từng thửa đất. Ngoài ra, giá đất tính tiền sử dụng đất cũng cần phân định rõ ràng trong hạn mức và ngoài hạn mức.

Ông Ngô Phước Thành - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, hiện nay, giao tiền sử dụng đất cho một loạt các đơn vị, cả đơn vị tự chủ tài chính và chưa tự chủ tài chính. Tuy nhiên, trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định thành 4 nhóm chứ không phải 2 nhóm, do đó cần quy định thống nhất giữa dự thảo Luật và nghị định hiện hành.

Quy định về trường hợp đặc biệt ưu đãi đầu tư, hiện đã đề cập tại nhiều văn bản, do đó, các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 55 dự thảo Luật phải quy định rõ, các trường hợp này phải do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến quan tâm đến chính sách thuế về đất đai. Hiện các vấn đề liên quan đến thuế và các khoản thu từ đất đai liên quan đến 3 văn bản khác nhau đó là Luật Đất đai, các luật thuế là Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị cần quy định đồng bộ về chính sách thuế và tài chính đất đai để thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.

Ở góc nhìn chuyên gia, góp ý về giá đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), PGS.TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, để xác định giá đất sát với giá thị trường cần ban hành nguyên tắc và phương pháp định giá tài sản, đồng thời, khi định giá đất sẽ do các tổ chức cơ quan chuyên nghiệp về địa giá đất độc lập tiến hành thực hiện. Bên cạnh đó, các các chủ thể cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động định giá đất tại các địa phương, từ đó nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất và đạo đức của đội ngũ định giá viên.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến bổ sung các quy định về tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Các khoản thu từ đất; phương pháp xác định đất; đất đấu giá, đầu thầu quyền sử dụng đất; phương pháp xác định giá đất; mối quan hệ giữa Luật Đất đai với Luật Tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; phân cấp Trung ương, địa phương trong quản lý đất đai...

 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều; trong đó có 01 chương (18 điều, từ Điều 147 - Điều 164) quy định về vấn đề “Tài chính về đất đai, giá đất”, quy định các nguyên tắc, nội dung cơ bản về các khoản thu tài chính từ đất đai và giá đất như: Các khoản thu từ đất đai; Điều tiết nguồn thu từ đất; Căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án; Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nguyên tắc, phương pháp định giá đất; Bảng giá đất; Giá đất cụ thể…