Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nên làm rõ về quyền sử dụng đất trong hộ gia đình


Tiếp tục góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, nên làm rõ quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác của vợ và chồng trên Giấy chứng nhận…

Vấn đề về quyền sử dụng đất trong hộ gia đình đã và đang nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến - Ảnh minh họa: ITN
Vấn đề về quyền sử dụng đất trong hộ gia đình đã và đang nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của thành viên hộ gia đình với vai trò là người sử dụng đất; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, nên làm rõ quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác của vợ và chồng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã cấp.

Thông tin tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội đặt vấn đề, nữ doanh nghiệp khởi nghiệp đi vay vốn nhưng giấy tờ nhà đất lại chỉ đứng tên chồng nên không thể vay vốn được.

Từ đó, bà Nga đề xuất, nên làm rõ quy định, trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì phải thực hiện thủ tục cấp đổi sang ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Đồng quan điểm đã nêu, PGS.TS. Nguyễn Thị Nga - Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cũng nêu ý kiến, theo Luật Đất đai 2013, việc quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên GCNQSDĐ đã làm tăng tỷ lệ Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng, qua đó đảm bảo quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung, tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp Giấy chứng nhận chỉ có tên người chồng vẫn còn nhiều.

Xoay quanh nội dung này, Luật sư Lê Thị Phượng - Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần làm rõ tại thời điểm hộ gia đình được công nhận quyền sử dụng đất, những ai trong hộ gia đình được ghi nhận là đồng chủ sử dụng đất.

Cụ thể, theo Luật sư Phượng, Điều 5, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng có ghi nhận “Hộ gia đình” là một chủ thể sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tiễn tư vấn đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất hoặc tham gia các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất mà trên hồ sơ địa chính hoặc trên GCNQSDĐ có ghi chủ sử dụng đất là “Hộ gia đình” dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh như: Nhiều trường hợp không đủ căn cứ xác định tại thời điểm Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ thì hộ gia đình có những nhân khẩu nào? Những nhân khẩu này có đóng góp vào việc hình thành nên quyền sử dụng đất hay chỉ đơn thuần là có tên trong hộ khẩu gia đình thì được xác lập quyền sử dụng đất theo hộ?

“Việc ghi nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình có thể phù hợp với văn hóa của Việt Nam, đề cao quan hệ gia đình, mang tính chất lịch sử. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, cần thiết phải làm rõ tại thời điểm hộ gia đình được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ thì những ai trong hộ gia đình được ghi nhận là đồng chủ sử dụng đất? Và những người được ghi nhận là đồng chủ sử dụng đất phải có đóng góp nhất định vào việc hình thành nên quyền sử dụng đất hoặc phải được các nhân khẩu khác trong gia đình (những người có công sức tạo lập nên quyền sử dụng đất) đồng ý bằng văn bản”, Luật sư Phượng bày tỏ.

Cũng theo Luật sư Phượng, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, khoản 1 Điều 225 Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này quy định giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Thực tế, Luật Đất đai 2013 có quy định đối với những tranh chấp mà đương sự không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (không có GCNQSDĐ, không có một trong các loại giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai) thì vẫn có quyền lựa chọn khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết.

Tuy nhiên, khi người dân gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án thì có rất nhiều Tòa án gây khó khăn yêu cầu người dân phải có GCNQSDĐ hoặc một trong các loại giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì Toà án mới thụ lý vụ án (mặc dù yêu cầu này là không đúng Luật Đất đai nhưng để thụ lý được vụ án người dân có thể sẽ phải khiếu nại đối với yêu cầu của tòa án gây mất thời gian của đương sự).

Do đó, để thuận lợi cho việc yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai theo khoản 1 Điều 225 của Dự thảo Luật (sửa đổi), Luật sư Phượng đề xuất phải ghi rõ: “Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất bao gồm cả trường hợp đương sự không có GCNQSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 225 của Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định: “Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại”.

Theo Luật sư Phượng, để có căn cứ cho Trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp, cần thiết phải bổ sung vào khoản 2 Điều 225 nội dung: “UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho TAND hoặc Trọng tài thương mại giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu”.

Theo Gia Nguyễn/Diendandoanhnghiep.vn