Liên kết bảo hiểm y tế với bảo hiểm thương mại giúp người dân phòng ngừa rủi ro

Theo Minh Thư/cand.com.vn

Bộ Y tế đang xây dựng Đề án liên kết bảo hiểm y tế (BHYT) với bảo hiểm thương mại (BHTM), đây sẽ là công cụ tài chính giúp người dân phòng ngừa rủi ro về khi ốm đau, bệnh tật, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đồng thời giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Liên kết phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh

Nhiều năm qua, khám, bệnh chữa bệnh bằng thẻ BHYT đã góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, nhiều người tham gia BHYT đang có nguyện vọng tham gia các dịch vụ y tế cao hơn như: giường bệnh theo yêu cầu, bác sĩ theo yêu cầu, các dịch vụ y tế khác theo yêu cầu...

Thế nhưng, gói dịch vụ y tế cơ bản của BHYT hiện chưa có quy định chi trả các dịch vụ như khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, khám sức khỏe định kỳ, thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục, chi phí khám chữa bệnh trái tuyến (ngoại trừ cấp huyện)...

Bên cạnh đó, người bệnh phải chịu chi phí cùng chi trả tùy từng dịch vụ là 5%, 20% tổng chi; chi phí khám chữa bệnh trái tuyến tuyến tỉnh, Trung ương; chi phí phải cùng chi trả đối với một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật (có trong danh mục BHYT); phần chi phí chênh lệch khi khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Liên kết bảo hiểm y tế với bảo hiểm thương mại giúp người dân phòng ngừa rủi ro - Ảnh 1
 

Trong khi đó, với các gói dịch vụ đa dạng khác nhau, BHYT thương mại đã thực hiện được việc kết nối quyền lợi của người tham gia với mức đóng và hưởng tương xứng.

Đây là sự khác biệt, nhưng ở một khía cạnh khác, hoàn toàn có thể hỗ trợ trong việc chi trả quyền lợi người tham gia, nếu thực hiện được sự liên thông giữa BHYT và BHTM.

Nhằm đa dạng các gói BHYT và tăng cường liên kết giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại, theo Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm, tới đây, Bộ Y tế sẽ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia vào BHYT xã hội, cung cấp các sản phẩm ngoài phạm vi quyền lợi BHYT.

Theo lý giải của ông Khảm, các doanh nghiệp có thể triển khai các gói sản phẩm như chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT; thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu như trái tuyến ở tuyến tỉnh, Trung ương. Các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các gói khác theo yêu cầu thị trường…

Khi có hai nguồn BHYT nhà nước và BHYT thương mại (nguồn BHYT công – tư) sẽ tạo nguồn tài chính bền vững và ổn định cho người tham gia. Vì thế, điều kiện hoạt động của bệnh viện cũng sẽ đáp ứng tốt hơn.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, việc liên thông giữa BHYT và bảo hiểm thương mại sẽ giúp người dân có được những gói dịch vụ y tế đa dạng với quyền lợi hưởng cao nhất.

Người bệnh hưởng lợi gì?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, việc liên thông giữa BHYT và BHTM sẽ góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước. Ông Sơn cũng khẳng định, phương án tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT và BHTM là xu hướng và giải pháp y tế quan trọng, góp phần tăng tiếp cận y tế cho người dân, giảm chi phí y tế từ các hộ gia đình, giảm thiểu gánh nặng về tài chính cho ngân sách nhà nước.

Vậy hai loại hình bảo hiểm trên mang lại lợi ích gì cho người dân? Theo BHXH Việt Nam, sự liên kết này cho phép người dân khi tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc và các loại hình thương mại khác vẫn cùng lúc được cộng hưởng quyền lợi khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện theo mức đáp ứng quyền lợi cao nhất.

Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, người tham gia bảo hiểm thương mại đóng 1 triệu đồng thì sẽ có quyền lợi tương ứng tối đa với 1 triệu đồng. Nhưng với BHYT, người bệnh đóng 100 nghìn đồng nhưng mức hưởng thì lại tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Tuy nhiên, để hai loại hình bảo hiểm mang lại hiệu quả cao nhất khi liên kết, cần phải nghiên cứu để tránh sự chồng chéo vì khi đã có một bên chi trả thì bên kia không thể chi trả.

Còn về phía Bộ Y tế, theo ông Lê Văn Khảm, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sẽ kiểm soát chất lượng BHYT thương mại như thế nào. Phải đặt ra vai trò của ngành y tế trong kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế trong gói BHYT thương mại, làm sao dù các kênh tài chính khác nhau nhưng khi sử dụng phải đạt hiệu quả, cố gắng không bị trùng lắp và phải minh bạch các thông tin. Vì thế, cần phải có một quy trình nữa trong kết nối liên thông giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại. Để đưa ra chính sách này thì cần phải thể chế hóa nó thành luật.

Doanh nghiệp BHYT thương mại có thể cung cấp các dịch vụ ngoài phạm vi quyền lợi BHYT hiện nay như: khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, khám sức khỏe định kỳ, thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục. Chi phí cho phần cùng chi trả trong phạm vi quyền lợi BHYT hiện có (5%, 20%); phần cùng chi trả của một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế (có trong danh mục nhưng chỉ được hưởng theo tỷ lệ nhất định). KCB theo yêu cầu, chi phí KCB trái tuyến (tuyến tỉnh, tuyến Trung ương) và các gói bảo hiểm sức khỏe khác.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam nghiên cứu nhằm đưa ra phương án tối ưu nhất để xây dựng Đề án trình Chính phủ, bảo đảm tính công bằng, phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cao cho người dân khi tham gia.