Số lượng doanh nghiệp đạt kỷ lục mới
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, số doanh nghiệp được cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước ước tính là 561.064 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với năm 2016.
Tại buổi họp báo công bố các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010 – 2016 được tổ chức ngày 6/2, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 19 tỉnh có tốc độ tăng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2017 so với cùng kỳ 2016 cao hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó, dẫn đầu là Bắc Giang với mức tăng 28%; Thanh Hóa 27,9%; Hưng Yên 26,4%; Bến Tre 25,7%; Bắc Ninh 23,7%; Vĩnh Phúc 19,7%…
Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Đồng thời, đây cũng là năm cả nước có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm 2016.
Ở chiều nguợc lại, trong năm 2017, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký trên phạm vi cả nước là 21.684 doanh nghiệp, tăng 8,9% so với năm 2016. Đồng thời, cả nước có 12.113 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 2,9% so với năm 2016.
Đáng chú ý, một số tỉnh có tốc độ tăng số doanh nghiệp giải thể năm 2017 cao so với năm 2016 như: Hòa Bình tăng 587,1%; Trà Vinh tăng 296,3%; Lào Cai tăng 195,0%; Bến Tre tăng 164,6%; Nghệ An tăng 155,4%; Thừa Thiên Huế tăng 100%; Điện Biên tăng 58,3%; Bắc Ninh tăng 34,7.
Thống kê cũng cho thấy, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động của cả nước tại thời điểm 31/12/2016 là 505.067 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm tăng 10,4% số doanh nghiệp.
Nếu phân loại theo khu vực kinh tế, thì dịch vụ là khu vực hiện có số lượng doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất, đồng thời là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động cao nhất trong các khu vực kinh tế. Tại thời điểm 31/12/2016, số doanh nghiệp đang hoạt động của khu vực này là 354.244 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực này tăng thêm 11,5% số doanh nghiệp.
Khu vực thứ hai có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn là công nghiệp và xây dựng. Tại thời điểm 31/12/2016, khu vực này có 146.376 doanh nghiệp đang hoạt động, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực này tăng thêm 8% số doanh nghiệp. Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp hoạt động rất ít, thời điểm 31/12/2016 khu vực này chỉ có 4.447 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực này tăng thêm 9,6% số doanh nghiệp.
Theo thành phần kinh tế, tại thời điểm 31/12/2016 số doanh nghiệp nhà nước thực tế đang hoạt động là 2.663 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực này giảm 3,4% số doanh nghiệp; trong khi bình quân giai đoạn này khu vực số doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 10,5%, doanh nghiệp FDI tăng 11,6%.
Theo địa phương, có 20/63 tỉnh có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động bình quân giai đoạn 2010-2016 cao hơn tốc độ tăng trung bình cả nước. Những tỉnh có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp bình quân hàng năm tăng cao giai đoạn 2010-2016 gồm: Bắc Ninh tăng 17,2%; Vĩnh Phúc tăng 15,7%; Bà Rịa, Vũng Tàu tăng 15,0%; Hưng Yên tăng 14,6%; Đắc Nông tăng 14,5%...
Nêu các giải pháp để phát triển lực lượng doanh nghiệp về số lượng và chất lượng, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong thời gian tới Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 nước ta có một triệu doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu thành phần kinh tế trong doanh nghiệp theo hướng sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, thu hút FDI hiệu quả hơn và đặc biệt khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Ông Nguyễn Bích Lâm cũng nhấn mạnh, cần nhanh chóng đưa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào cuộc sống để sớm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhanh, hiệu quả trong thời gian tới.
Đi đôi với phá triển số lượng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, loại bỏ các doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh, trái pháp luật, gây tổn hại cho nền kinh tế; đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại để các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành (Trung ương và địa phương) lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.