Kinh tế tư nhân: Làm sao để không “nhỏ hóa“?
Lần đầu tiên sau 10 năm,Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP như kỳ vọng và cán đích 13/13 chỉ số kinh tế xã hội.
Trong niềm vui này, Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế 2017 với nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, về số lượng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có số lượng doanh nghiệp lớn nhất với 500.000, tăng 52,2% so với năm 2012. Số lượng doanh nghiệp FDI là 14.600, tăng mạnh nhất với 54,2% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 2.701 doanh nghiệp, giảm 18,3% tương đương 607 doanh nghiệp so với năm 2012.
Về doanh thu năm 2016, khu vực doanh nghiệp tạo ra 17,45 triệu tỉ đồng doanh thu thuần, gấp 1,7 lần năm 2011. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có doanh thu đạt cao nhất với 9,76 triệu tỉ đồng. Tiếp đến là khu vực các doanh nghiệp FDI năm 2016 tạo ra 4,81 triệu tỉ đồng. Thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, năm 2016 chỉ tạo ra 2,88 triệu tỉ đồng doanh thu.
Cơ cấu ngành trong doanh thu cũng ghi nhận những chuyển biến. Khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ là 2 khu vực doanh nghiệp lớn nhất, có mức doanh thu năm 2016 tương ứng là 8,75 triệu tỉ đồng và 9,02 triệu tỉ đồng.
Về mức đóng góp vào ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng cao nhất với 46% (trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 31%), tiếp đến là các doanh nghiệp nhà nước 29% và doanh nghiệp FDI là 25%. Các doanh nghiệp dịch vụ đóng góp 51,7% tổng các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng đóng góp 48% cho ngân sách của khối doanh nghiệp.
Nhìn vào những con số nêu trên, có thể thấy, đã có một sự biến chuyển trong cơ cấu nền kinh tế khi khối doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm lượng đông đảo, đạt doanh thu lớn và đóng góp gần gấp đôi khối doanh nghiệp nhà nước. Xem ra, tái cơ cấu đang đi đúng hướng nhưng một sự thật khác hiển lộ khi xem xét kỹ hơn những con số màu hồng trên.
Thứ nhất, dù có số lượng lớn, đóng góp vào ngân sách nhiều nhưng khối doanh nghiệp ngoài nhà nước không phải là động lực chính của tăng trưởng GDP. Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Trinh nhận định, từ số liệu tăng trưởng GDP theo thành phần kinh tế trong những năm 2005-2016, có thể thấy khu vực FDI “gánh” tốc độ tăng trưởng.
Các thành phần kinh tế trong nước có mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 12 năm thấp hơn mức tăng trưởng GDP bình quân chung khá nhiều (xấp xỉ 4 điểm phần trăm), chỉ có khu vực FDI tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung (7,5% so với 6,1%).
Tuy nhiên, mức đóng góp của khu vực FDI vào ngân sách chỉ chiếm 25%. Nghĩa là, không thể phủ nhận được nghi ngại doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi về tiếp cận đất đai, chính sách thuế... so với khu vực kinh tế trong nước nhưng phần đóng góp cho ngân sách lại rất khiêm tốn.
“Về thuế gián thu, các doanh nghiệp FDI cũng được ưu đãi về chính sách thuế. Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều làm gia công rồi xuất khẩu. Do xuất khẩu trực tiếp nên đầu vào nhập khẩu của các doanh nghiệp này được ưu đãi thuế. Mặt khác, thuế này về bản chất là người dân Việt Nam phải trả khi sử dụng sản phẩm của họ. Sử dụng sản phẩm FDI trong trường hợp hầu hết là gia công thực chất là dùng hàng nhập khẩu dưới hình thức khác”, vị chuyên gia kinh tế giải thích.
Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều báo cáo lỗ hoặc lãi một chút, như vậy thuế thu nhập doanh nghiệp phía Việt Nam thu được chẳng là bao. Năm 2016, tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp khối FDI được miễn giảm và ưu đãi ở mức 35.300 tỉ đồng. Nếu tính toán kỹ nhiều doanh nghiệp FDI thì tổng số thuế được ưu đãi từ khi đi vào hoạt động cũng tương đương số vốn họ đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp nội chỉ được ưu đãi gần 21% số thuế phải nộp, trong khi doanh nghiệp FDI được hưởng gần 92%. Sự bất bình đẳng này khiến doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.
Thứ hai, xét tương quan giữa các khối kinh tế, việc khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) đi đầu trong nộp ngân sách chưa nên xem là một tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, xét theo quy mô lao động, so với năm 2012, số lượng doanh nghiệp lớn giảm 2,3% trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ tăng tới 65,5%.
Tỉ trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tới 6 điểm phần trăm so với năm 2012, trong khi tỉ trọng lao động giảm 0,8 điểm phần trăm cho thấy quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần. Những con số này chứng minh cho nhận định, doanh nghiệp ngoài nhà nước (cụ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ) đang phải gánh trách nhiệm ngân sách quá lớn so với nguồn lực được hưởng nên ngày càng nhỏ khiến khu vực này “nhỏ hóa”.
Thứ ba, dò theo đường đi của tín dụng, dù các doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút nguồn vốn nhiều nhất với 16,8 triệu tỉ đồng tại thời điểm ngày 1.1.2017 nhưng nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn bị đánh giá mức tiếp cận tín dụng tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực. Dù quyết liệt cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước vẫn thu hút nhiều nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, tính đến ngày 1/1/2017 có mức dư nợ 8,4 triệu tỉ đồng. Bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm các doanh nghiệp nhà nước thu hút thêm 11,5% vốn.
Trong bối cảnh này, vấn đề được TS. Bùi Trinh nhiều lần lưu ý là mức tăng lượng phát thải khí nhà kính đang cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Lượng phát thải khí nhà kính bình quân mỗi năm tăng 10%, trong khi GDP tăng bình quân xấp xỉ 6% từ năm 2010-2012. Với cấu trúc kinh tế và ưu tiên chính sách như hiện nay, GDP tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2017 khoảng 6,2% (tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,81%) trong khi mức tăng phát thải nhà kính từ 8-10%.
Như vậy, đến năm 2020, nếu cấu trúc kinh tế không thay đổi, vẫn khuyến khích tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo, chính sách vẫn ưu ái xuất khẩu và FDI và không hướng nguồn lực đầu tư vào tăng trưởng xanh thì chất thải nhà kính (GHG) của Việt Nam sẽ trên 550 triệu tấn, cao hơn mức dự báo 466 triệu tấn năm 2020 của Liên hiệp Quốc. Chắc chắn không ai muốn có được những con số đẹp chứng minh thành tích và đổi lại chỉ nhận lấy ô nhiễm.