Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Thu hút có chọn lọc
Không thể phủ nhận vai trò tích cực của khu vực FDI đối với nền kinh tế, nhưng việc gia tăng quá nhanh các siêu dự án với cơ cấu đầu tư không được chọn lọc đã làm phát sinh không ít các hệ lụy.
Các chuyên gia khuyến cáo, không thể nóng vội mà phải sáng suốt lựa chọn các dự án FDI sử dụng công nghệ cao và mạnh dạn gạt bỏ dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường.
Còn nhiều hệ lụy
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2016 và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng cao nhất từ trước đến nay. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là kết quả của việc cải thiện môi trường đầu tư và xúc tiến đầu tư rất trọng điểm của Chính phủ. Ngoài ra, nhờ Hội nghị APEC đã tạo đà tốt hơn. Hơn nữa, đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong giai đoạn này đã thúc đẩy doanh nghiệp FDI vào mua cổ phần.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, chỉ khoảng 5 - 6% sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, trong khi mục tiêu là 35 - 40%. Thống kê cho hay, gần 14.000 dự án FDI mới có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ (chiếm tỷ lệ 4,28%), việc chuyển giao này còn rất chậm, thậm chí là vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia vào lĩnh vực công nghệ cao còn hãn hữu.
Có những dự án đầu tư đã để lại hệ lụy không nhỏ cho việc phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Có thể thấy điều đó qua những dự án tận thu tài nguyên thiên nhiên hay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thời gian qua. Ngoài ra, vẫn xảy ra tình trạng dự án FDI không phù hợp với quy hoạch phát triển dài hạn, hoặc gây mất cân đối về cơ cấu trong quá trình phát triển chung của đất nước.
Chỉ đón nhận những dự án FDI có “chất”
Đánh giá về nguyên nhân, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam không có những rào cản kỹ thuật, không đánh giá kỹ thuật và không có những quy ước bắt doanh nghiệp FDI mang công nghệ cao vào đầu tư.
Thêm vào đó, công tác quản lý còn không ít hạn chế cả về pháp luật. Do đó, phải có hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn những công nghệ thấp làm ảnh hưởng môi trường. Sáng suốt trong lựa chọn các dự án, chỉ đón nhận những dự án FDI có “chất”, sử dụng công nghệ cao và mạnh dạn gạt bỏ những dự án nhỏ, công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường.
Về chuyển giao công nghệ, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam Đào Huy Giám cho rằng, về nguyên tắc không thể ép buộc doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ nếu như không có quy ước bắt buộc trước đó. Do vậy, phải có chính sách ưu đãi để khuyến khích chuyển giao.
Mặt khác, Việt Nam nói đến công nghệ rất nhiều nhưng năng lực sáng tạo ra công nghệ tương đối thấp. Do vậy, phải có chiến lược vừa tạo điều kiện phát triển công nghệ vừa ưu tiên ứng dụng công nghệ, đặt mục tiêu trong vòng 50 năm, 90% doanh nghiệp mua công nghệ của Hoa Kỳ, châu Âu, cho nên, cần có đối sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì cho rằng, cần thận trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trước khi nhận dự án đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương phải nghiên cứu xem sản phẩm của dự án đầu tư FDI là những gì, bao nhiêu doanh nghiệp nội hóa có thể tiến hành được, công nghệ liệu có phù hợp không chứ không phải cái gì cũng có thể nhận.
Có một thực tế, trong khi doanh nghiệp FDI nhận nhiều ưu đãi về thuế, vị trí địa lý, nhân công… thì doanh nghiệp trong nước lại bị “đối xử rất khắt khe”. Điều này không công bằng cho doanh nghiệp nội. Do đó, thay vì thu hút đầu tư FDI một cách nóng vội, phải xem xét doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được không để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội phát triển. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng nội lực cho doanh nghiệp trong nước.