Liên kết vùng bảo đảm phát triển công nghiệp và dịch vụ bền vững ở tỉnh Hưng Yên
Liên kết vùng có vai trò rất quan trọng trong khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tăng tính liên kết đối với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng có nguồn lực dồi dào, giao thông thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, Tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng đẩy mạnh liên kết vùng phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại.

Thực trạng liên kết vùng của tỉnh Hưng Yên
Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lực dồi dào, Hưng Yên cùng với các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương đã đẩy mạnh liên kết tạo nên những thành quả trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, dần hình thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt là sự hình thành và phát triển trục hành lang giao thông, đường cao tốc nối giữa Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đi qua Hưng Yên và Hải Dương có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nhằm đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội và liên kết vùng bền vững, tỉnh Hưng Yên đã dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Với chủ trương hạ tầng giao thông là nền tảng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển hạ tầng giao thông.
Theo đó, ngày 28/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; ngày 22/11/2021, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung triển khai xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm, có tính lan tỏa, tạo hành lang để hình thành nên các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, cụm, khu công nghiệp sạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng còn khó khăn trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, xây dựng hệ thống giao thông trọng yếu kết nối thuận tiện với các cửa khẩu quốc tế, cảng, sân bay, thu hút đầu tư vào Hưng Yên, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn Tỉnh khá thuận lợi với hệ thống đường cao tốc, quốc lộ. Hưng Yên đã khai thác nhiều dự án giao thông quan trọng, có tính kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng. Đặc biệt, dự án xây dựng tuyến đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, tạo nên bước đột phá mạnh mẽ, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Tỉnh và liên vùng theo hướng hiện đại.
Trong giai đoạn 2021-2025, Hưng Yên triển khai 106 dự án giao thông. Các dự án này đều là những tuyến đường quan trọng kết nối với hệ thống giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, thực hiện dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đoạn qua địa phận Tỉnh); Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nối Hưng Yên - Hà Nội…
Cùng với đẩy mạnh phát triển “mạch máu kinh tế”, ngoài những khu công nghiệp hiện có, Tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, cơ quan chuyên môn hoạch địch công tác quy hoạch để xây dựng thêm các khu công nghiệp tập trung mới, thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; dự án xanh thân thiện với môi trường đáp ứng các tiêu chí về hạn chế khí thải các bon (phát thải ròng) mà Việt Nam đã cam kết. Điển hình như: Khu Công nghiệp Thăng Long II, Khu Công nghiệp Sạch, Khu Công nghiệp số 05…
Bên cạnh đó, Hưng Yên đã chủ động phát triển nhà ở cho công nhân. Đặc biệt đề cao tính gắn kết, tiện ích, tiện lợi, giữa các khu nhà ở xã hội theo mô hình hiện đại, đầy đủ tiện nghi với các trung tâm văn hoá, chợ, siêu thị… đến các khu công nghiệp nhà máy, theo một vòng tuần hoàn khép kín, tạo điều kiện cho công nhân an cư, sinh hoạt và lao động.
Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên những năm qua liên tục tăng trưởng, phát triển nhanh. Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 công bố tháng 5/2022, Hưng Yên tăng tới 14 bậc, vươn lên xếp thứ 39 trong bảng xếp hạng.
Năm 2022, GRDP của Tỉnh đạt 51.400 tỷ đồng tăng 13,4%, gấp 2,63 lần dự toán và tăng 2,69 lần so với năm 2021, đứng top 10 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước, trong đó thu nội địa đứng đầu trong khu vực Bắc Bộ (không kể TP. Hà Nội). Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 102,3 triệu đồng. Trong cơ cấu kinh tế: công nghiệp, xây dựng chiếm 63,91%; nông nghiệp, thủy sản chiếm 7,49 %; thương mại, dịch vụ chiếm 28,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,5%, có thêm 2 khu công nghiệp bổ sung vào quy hoạch và 9 cụm công nghiệp được thành lập mới. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 19,32%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ đạt 60.938 tỷ đổng tăng 61,1%, xuất khẩu đạt 6.300 triệu USD đạt 112,5%, tăng 1,25% so với năm 2021.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hưng Yên thu hút 816 dự án đầu tư, tăng 34,4% so với giai đoạn 2011-2015 (trong đó: 625 dự án trong nước với vốn đăng ký trên 61,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,5% so với giai đoạn 2011-2015; 191 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 2,24 tỷ USD, tăng 34,9% so với giai đoạn 2011-2015), nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến nay là 1.985 dự án (trong đó: 1.487 dự án trong nước, vốn đăng ký trên 140,7 nghìn tỷ đồng; 498 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 5 tỷ USD), tổng số vốn đăng ký tương đương trên 11 tỷ USD; 1.034 dự án đi vào hoạt động; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 17,8 vạn lao động.
Năm 2022, Tỉnh thu hút 77 dự án mới (17 dự án đầu tư nước ngoài (FDI); 60 dự án trong nước) với tổng số vốn đầu tư đăng ký 212,53 triệu USD và 21.395 tỷ đồng. Đồng thời, Tỉnh đã tiếp nhận 98 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn (41 dự án FDI và 57 dự án trong nước), với tổng số vốn tăng thêm 330,54 triệu USD và 77.423 tỷ đồng. Một số dự án, công trình trọng điểm được khởi công đầu tư xây dựng như: Dự án hạ tầng khu công nghiệp sạch; Dự án nhà máy sữa Hưng Yên. Cơ cấu thu hút đầu tư có sự chuyển dịch tích cực, tập trung nhiều hơn vào dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tập trung ở các khu công nghiệp (KCN): KCN Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II (Sumitomo), KCN Minh Đức, KCN Yên Mỹ, KCN Yên Mỹ II, KCN Minh Quang...
Một số tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội và liên kết vùng của tỉnh Hưng Yên và các địa phương khác còn có những hạn chế nhất định, tính bền vững chưa cao như: Thể chế về liên kết vùng giữa Hưng Yên với các địa phương khác chưa hoàn thiện, còn thiếu cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng, phạm vi liên kết hiện đang chủ yếu tập trung theo mệnh lệnh hành chính, lợi ích liên kết chưa thực sự rõ ràng. Các hình thức liên kết trong sản xuất công nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu sự ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, phát triển các ngành chưa có sự liên kết theo từng khâu, đoạn sản xuất.
Cùng với đó, việc quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng cũng như kết nối các loại hình giao thông với nhau còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp, dịch vụ nói riêng của vùng. Hệ thống hạ tầng đô thị giữa Hưng Yên và các địa phương trong vùng hiện nay còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung. Tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hưng Yên chậm được giải quyết...
Việc liên kết dịch vụ hậu cần logistics, liên kết trong cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển du lịch, dịch vụ cũng như đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trong vùng còn nhiều hạn chế. Chưa xây dựng được dữ liệu chung về các doanh nghiệp phụ trợ, nhà cung cấp của 4 địa phương trong vùng; Việc kết nối các doanh nghiệp hệ thống các khu công nghiệp trong vùng để nâng cao vị thế, cơ hội trong chuỗi sản xuất, cung ứng cho các tập đoàn lớn còn hạn chế.
Giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng
Để khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển công nghiệp và dịch vụ cũng như chiến lược phát triển kinh tế vùng bền vững, tỉnh Hưng Yên cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, sớm hoàn thiện thể chế liên kết vùng và có quy hoạch vùng cụ thể. Đẩy mạnh liên kết các địa phương sớm thành lập "Hội đồng vùng", xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, thể chế cụ thể, xây dựng quy hoạch, lập quy hoạch vùng theo hướng bảo đảm khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trên cơ sở kết nối các địa phương trong vùng. Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ vùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng; lập quy hoạch và tổ chức không gian phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia trên địa bàn vùng; tổ chức không gian phát triển các ngành công nghiệp vùng.
Xác định các mục tiêu phát triển, các định hướng và giải pháp bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội hợp lý nhằm giải quyết các vấn đề xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trên địa bàn vùng khi hoạch định phương án phát triển của từng ngành, từng địa phương trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng. Xác định các ngành có lợi thế của vùng, mục tiêu, phương án và bố trí không gian phát triển các ngành, đảm bảo khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Quy hoạch phải hướng tới phát triển công nghiệp, dịch vụ bền vững trên các trụ cột: phát triển kinh tế - bảo đảm an sinh xã hội - bảo vệ môi trường, di sản văn hóa; phát triển bền vững trong dài hạn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ giữa Hưng Yên với các tỉnh trong vùng. Xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch của tỉnh Hưng Yên với vùng Đồng bằng sông Hồng thống nhất, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của các địa phương trong vùng và của quốc gia.
Ba là, đẩy mạnh liên kết, phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng thành tựu công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào phát triển công nghiệp và dịch vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động liên kết vùng; tăng cường kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hưng Yên và vùng, các sàn giao dịch điện tử khác… Đẩy mạnh chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Bốn là, tăng cường phối hợp đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Hưng Yên và vùng Đồng bằng sông Hồng. Cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn đầu tư chất lượng cao, không phải thâm dụng lao động, hay công nghệ thấp.
Tài liệu tham khảo:
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội;
- Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (2020), Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Hưng Yên.
- UBND tỉnh Hưng Yên (2022), Báo cáo số 173/BC- UBND ngày 05/12/2022 về Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hôi năm 2022 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023;
- Trương Quốc Cường (2022), Liên kết 4 địa phương thành cực tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng Sông Hồnghttps://vneconomy.vn/lien-ket-4-dia-phuong-thanh-cuc-tang-truong-kinh-te-vung-dong-bang-song-hong.htm;
- Khánh Vy (2022), Đẩy mạnh liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, https://vneconomy.vn/day-manh-lien-ket-vung-dong-bang-song-hong.htm;
- Ánh Huyền (2022), Hưng Yên đẩy mạnh phát triển các dự án giao thông trọng điểm, https://vovworld.vn/vi-VN/kinh-te/hung-yen-day-manh-phat-trien-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-1154340.vov.