Liên minh châu Âu: Bước đi hợp thời

Theo daibieunhandan.vn

Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã đề xuất điều chỉnh các quy định về trợ cấp thất nghiệp cho người di cư trong EU. Động thái này được đánh giá là bước đi hợp thời, trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng phản đối người nhập cư và sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc.

Liên minh châu Âu gần đây đã đề xuất điều chỉnh một số quy định. Nguồn: internet.
Liên minh châu Âu gần đây đã đề xuất điều chỉnh một số quy định. Nguồn: internet.

Công bằng và khả thi hơn

Thông báo về cuộc cải tổ lao động này, Ủy viên phụ trách các vấn đề xã hội của châu Âu, Marianne Thyssen khẳng định, châu Âu cần linh hoạt hóa nguồn nhân lực nhằm đạt các mục tiêu khôi phục đà tăng trưởng kinh tế và tăng sức cạnh tranh cho khu vực.

Trước đó, giới chức EU từng nhiều lần nhấn mạnh, các mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu khối có những quy định khả thi, công bằng và minh bạch. Theo bà Thyssen, các đề xuất mới nhằm bảo đảm tính công bằng trong phân bổ tài chính và chia sẻ gánh nặng từ sự dịch chuyển lao động nội khối giữa các nước thành viên.

Theo đề xuất mới, công dân EU phải làm việc ít nhất là 3 tháng trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên của khối trước khi nộp đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tại chính quốc gia này. Đây là thay đổi đáng lưu ý nhất trong số những đề xuất mà EU đưa ra, lấp lỗ hổng trong hệ thống an sinh xã hội của EU.

Theo quy định cũ, lao động nhập cư có thể khai công việc mà họ đã làm trước đó tại một quốc gia EU, khi yêu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp tại quốc gia EU mà họ đang cư trú. Song, một người có thể đã làm việc tại Tây Ban Nha 10 năm, sau đó tới Pháp để làm việc và bị mất việc chỉ sau một tuần vẫn có thể nhận trợ cấp thất nghiệp của Chính phủ Pháp.

Trong số những đề xuất mới còn có quy định cho phép người lao động được hưởng trợ cấp tại quốc gia mà họ làm việc, thay vì quốc gia sinh sống. Thay đổi này, nếu được triển khai, sẽ tác động đáng kể tới nhiều quốc gia như Bỉ và Pháp, nơi có nhiều người lao động ở khu vực biên giới thường sang làm việc tại các nước có mức lương cao hơn như Luxembourg. Gói cải cách cũng bao gồm những quy định thúc đẩy quyền lợi của người tìm việc làm nhằm khuyến khích họ tìm việc trong khối thị trường đơn nhất.

Trước đó, các đề xuất này đã nhận được sự hoan nghênh của một số quốc gia như Pháp, Bỉ và Đức, song lại vấp phải sự phản đối tại nhiều quốc gia Trung và Đông Âu gia nhập EU sau năm 2004, cho rằng các quy định này theo hướng “bảo hộ”.

Bước đi thận trọng

Đề xuất mới của giới chức Brussels nhằm siết chặt hơn các quy định về phúc lợi dành cho lao động di cư, được xem là một nỗ lực của EU nhằm kiềm chế làn sóng phản đối nhập cư đang bùng lên mạnh mẽ tại khắp các nước thành viên EU, thể hiện rõ nhất qua sự kiện Anh chọn rời khỏi EU (Brexit), Brussels không muốn điều này tái diễn tại bất kỳ nước thành viên nào. Nhiều người cho rằng, quyết định gây sốc của cử tri Anh khi bỏ phiếu cho Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 một phần là bởi những chỉ trích về việc người di cư đang lợi dụng các kẽ hở trong hệ thống an sinh xã hội của EU.

Một năm sau khi Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu Brussels cải tổ các quy định, nếu muốn giữ nước Anh ở lại EU, Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy các cải cách cho riêng mình. Trên thực tế, Anh không phải nước duy nhất muốn hạn chế phúc lợi dành cho lao động nhập cư. Năm 2013, Bộ trưởng Nội vụ một số quốc gia như Đức, Hà Lan và Áo đã viết chung bức thư gửi Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May - người đang thế chỗ ông Cameron - yêu cầu Anh nhanh chóng gia tăng áp lực về tiến trình này.

Các Bộ trưởng nhấn mạnh: “Các quy định cho phép những người chỉ vừa mới tới một quốc gia thành viên và chưa bao giờ làm việc, hay đóng thuế tại đó có thể hưởng trợ cấp và phúc lợi xã hội tương tự như công dân của các quốc gia thành viên, là một sự sỉ nhục đối với các giá trị chung”.

Các cải tổ này từng được dự kiến hoàn tất từ đầu năm nay, song đã bị hoãn lại để tránh gây xáo trộn, trong bối cảnh nước Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về Brexit. 6 tháng sau khi Anh quyết định chia tay liên minh sau gần nửa thế kỷ gắn mà không kết, EU bắt đầu cân nhắc quyết định cải tổ và thay đổi đầu tiên trong lĩnh vực lao động được thúc đẩy mạnh mẽ. Kế hoạch cải cách này đang chờ Nghị viện châu Âu cùng các nước thành viên cân nhắc.