Liên minh châu Âu thông qua luật quy định giới hạn phát thải khí mê-tan

PV

Ngày 27/5/2024, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua luật quy định giới hạn phát thải khí mê-tan đối với hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt của châu Âu từ năm 2030. Luật mới sẽ được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua trước khi đăng công khai trên Công báo chính thức EU và có hiệu lực sau đó 20 ngày.

Từ năm 2030, EU sẽ áp đặt “giá trị cường độ khí mê-tan tối đa” đối với nhiên liệu hóa thạch trên thị trường UE.
Từ năm 2030, EU sẽ áp đặt “giá trị cường độ khí mê-tan tối đa” đối với nhiên liệu hóa thạch trên thị trường UE.

Khí mê-tan là thành phần chính của khí tự nhiên được các nước đốt trong các nhà máy điện và để sưởi ấm các ngôi nhà. Đây cũng là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu sau carbon dioxide, và gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu khi nó thoát vào khí quyển từ các đường ống dẫn dầu, khí đốt và cơ sở hạ tầng bị rò rỉ.

Khí mê-tan cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành ôzôn ở tầng mặt đất, một chất ô nhiễm không khí nguy hiểm và khí nhà kính, tiếp xúc với chất này gây ra 1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Mê-tan cũng là một khí nhà kính mạnh. Trong khoảng thời gian 20 năm, nó có khả năng làm ấm mạnh hơn 80 lần so với carbon dioxide.

Trước mối nguy rò rỉ khí mê-tan, các nước EU đã chấp thuận chính sách này. Theo đó, từ năm 2030, EU sẽ áp đặt “giá trị cường độ khí mê-tan tối đa” đối với nhiên liệu hóa thạch trên thị trường EU. Ủy ban Châu Âu sẽ thiết lập giới hạn khí mê-tan chính xác vào thời điểm đó. Các nhà nhập khẩu dầu khí vi phạm giới hạn có thể phải đối mặt với các hình phạt tài chính. Luật cũng yêu cầu các nhà sản xuất tại các nước EU phải kiểm tra định kỳ các hoạt động sản xuất để đề phòng rò rỉ khí mê-tan.

Đối với ngành dầu mỏ và khí đốt, các đơn vị khai thác phải phát hiện và sửa chữa rò rỉ khí methane. Các hãng phải nộp chương trình phát hiện và sửa chữa rò rỉ khí methane cho các cơ quan quản lý quốc gia trong vòng 9 tháng kể từ ngày quy định có hiệu lực, thực hiện khảo sát phát hiện và sửa chữa rò rỉ lần đầu tại các địa điểm hiện có trong vòng 12 tháng. Với than đá, các nước EU phải liên tục đánh giá và báo cáo lượng khí thải methane từ việc vận hành các mỏ dưới lòng đất và từ các mỏ trên mặt đất.

Ngoài ra, các nước sẽ phải thiết lập một bản kiểm kê công khai các mỏ đã đóng cửa hoặc bỏ hoang trong 70 năm qua và đo lượng khí thải từ các mỏ, ngoại trừ các mỏ đã bị ngập lụt hơn 10 năm. Do nhập khẩu chiếm hơn 80% lượng dầu và khí đốt tiêu thụ ở EU nên các nhà lập pháp cũng nhất trí đặt ra các yêu cầu đối với dầu, khí đốt và than nhập khẩu. Kể từ ngày 01/01/2027, các nhà nhập khẩu sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về giám sát, báo cáo và xác minh tương ứng ở cấp độ sản xuất.

Ủy ban châu Âu có nhiệm vụ tạo ra một đạo luật được ủy quyền trong vòng 3 năm sau khi quy định mới có hiệu lực để phân loại các mức cường độ khí mê - tan đối với mặt hàng dầu thô, khí tự nhiên và than đưa vào thị trường EU ở cấp độ nhà sản xuất hoặc công ty.

Theo Giám đốc các vấn đề của EU tại Cơ quan nghiên cứu không khí sạch phi lợi nhuận, tiêu chuẩn nhập khẩu này có khả năng làm giảm 1/3 lượng khí thải mê-tan toàn cầu từ dầu và khí đốt.