Liệu Fed có thể cắt giảm tiếp lãi suất?
Phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Chính sách đối ngoại tổ chức mới đây, Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết, virus corona đang gây ra rủi ro cho nền kinh tế Mỹ và các quan chức Fed đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của dịch bệnh.
Theo ông, các quan chức Fed đang phối hợp với các NHTW trên khắp thế giới trong nỗ lực bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khỏi những rủi ro của virus và để đảm bảo thị trường tài chính diễn ra suôn sẻ. “Triển vọng là rất không chắc chắn”, ông nói. “Trong những tuần và tháng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh và tác động của chúng đối với triển vọng kinh tế”.
Williams cho biết, kinh tế Mỹ đã khởi đầu năm mới với động lực rất tốt, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng việc làm vững chắc và rủi ro địa chính trị dường như đang dịu lại. Nhưng sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của virus corona đã mang đến những rủi ro mới. Hiện các doanh nghiệp Mỹ đang phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu yếu. Đặc biệt các công ty du lịch và dịch vụ đang chịu tổn thất nặng nề khi người tiêu dùng trở nên thận trọng.
Williams cũng cho biết Fed sẽ đảm bảo thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng. Fed New York đã can thiệp vào thị trường tiền tệ từ giữa tháng 9, khi tình trạng thiếu tiền mặt dẫn đến việc lãi suất vay ngắn hạn tăng đột biến. Nhu cầu đối với các hoạt động của ngân hàng trung ương trên thị trường repo đã tăng mạnh trong tuần qua, cho thấy một số công ty tài chính có thể đang cố gắng tăng dự trữ thanh khoản. Tuy nhiên, lãi suất quỹ liên bang, mà Fed nhắm đến để tác động đến chi phí vay mượn, vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của Fed. Fed cũng đang mua tín phiếu kho bạc ngắn hạn với quy mô 60 tỷ USD/tháng trong nỗ lực tăng mức dự trữ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
“Chúng tôi vẫn linh hoạt và sẵn sàng điều chỉnh các hoạt động của mình khi cần thiết để đảm bảo rằng chính sách tiền tệ được thực hiện và truyền tải hiệu quả đến các thị trường tài chính và nền kinh tế rộng lớn hơn”, Williams cho biết.
Khi phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình của Bloomberg vào cùng ngày, Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan cũng khẳng định, tốc độ lây lan của virus corona tại Mỹ là một yếu tố quan trọng khi ông cân nhắc về yêu cầu cắt giảm thêm lãi suất khi các nhà hoạch định chính sách gặp nhau hôm 17-18/3 tới. “Tôi sẽ theo dõi rất, rất thận trọng về diễn biến của dịch bệnh”, Kaplan cho biết. “Chúng tôi sẽ phải xem những gì diễn ra trên thực tế trong 10 ngày tới, hai tuần tới. Đó sẽ là một yếu tố quan trọng, vâng, tôi sẽ sử dụng nó để đánh giá những gì phù hợp và liệu chúng ta có thể chờ đợi lâu hơn không”.
Kaplan là một trong số các quan chức ủng hộ quyết định cắt giảm lãi suất tới một nửa điểm phần trăm của Fed hôm thứ Ba tuần trước, lần cắt giảm lãi suất khẩn cấp đầu tiên bên ngoài một cuộc họp chính sách của Fed kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do cơ quan này lo ngại dịch virus corona có nguy cơ cản trở đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn tỏ ra không mấy ấn tượng với việc làm này. S&P 500 đã giảm hơn 3% vào thứ Năm, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm xuống mức 0,9% và đồng USD giảm so với đồng yên. Hiện thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 17-18/3 tại Washington.
Nhưng nhiều quan chức khác của Fed lại không ủng hộ các kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm thêm lãi suất. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng không đưa ra tín hiệu rõ ràng nào tại cuộc họp báo sau khi Fed quyết định cắt giảm lãi suất hôm thứ Ba tuần trước. Trong khi James Bullard - Chủ tịch Fed St. Louis Fed cho biết hôm thứ Tư tuần trước rằng, sẽ là sai lầm khi cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất sau hai tuần nữa vì có thể có ít thông tin mới để biện minh cho một động thái bổ sung. Ông cũng cho biết Ủy ban Thị trường mở liên bang có thể hành động giữa các cuộc họp nếu cần thiết.