Liệu nhà đầu tư Việt Nam có phản ứng thái quá?
Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh trong những ngày gần đây, những phân tích dưới đây đặt ra câu hỏi: Liệu nhà đầu tư trong nước có phản ứng thái quá?
Kinh tế Vĩ mô: Những thành tựu tích cực
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP trong 3 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Điều này cho thấy triển vọng lạc quan về một năm 2018 có mức tăng trưởng kỳ vọng cao hơn năm 2017.
Trong mức tăng trưởng của nền kinh tế 3 tháng đầu năm nay có đóng góp lớn của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với mức tăng trưởng khá hơn 4% sau khi đạt mức thấp vào cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và phục hồi rõ nét, do điều kiện thời tiết thuận lợi (đàn bò tăng 2,9%, gia cầm tăng 6,8%, sản lượng thủy sản tăng 4,5%). Khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng cũng tăng trưởng khá, lần lượt tăng 6,70% và 9,70%.
Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ 2017 tăng 4,8%), lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ (con số này ở cùng kỳ 2017 là 1,62%).
Chỉ số nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) đã tăng từ mức 51,6 điểm của tháng 3 lên 52,7 điểm trong tháng 4, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ về các điều kiện kinh doanh.
Nhân tố chính góp phần làm cải thiện các điều kiện hoạt động kỳ gần đây nhất là số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng đáng kể, với tốc độ đạt mức cao của ba tháng. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IPP tính chung cả 4 tháng ước tăng 11,4%, cao hơn so với mức tăng của 4 tháng năm 2017 (6,6%), trong đó riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14%.
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển với nhiều tín hiệu tốt đẹp. Ngay trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Ngoài việc tiếp tục tăng trưởng mạnh xuất khẩu, Việt Nam đã có bước tiến quan trọng trong điều tiết nhập khẩu, đặc biệt nhập siêu từ Trung Quốc. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 29%.
Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam đã tăng thêm 32 tỷ USD, đưa tổng dự trữ ngoại hối lên mức 63 tỷ USD tính tới thời điểm này. Thu ngân sách đạt hơn 33% dự toán. Dự trữ ngoại hối không ngừng cải thiện là một nhân tố rất tích cực hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá. Nhiều khả năng tỷ giá sẽ tiếp tục có một năm bình ổn với mức mất giá của đồng nội tệ không vượt quá 2%.
Đặt lên bàn cân so sánh cùng với sự tăng trưởng kinh tế với Việt Nam, các quốc gia trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan cũng đạt được những kết quả rất cao. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Indonesia trong quý I/2018 đạt 5,06%, là mức tăng cao nhất của quý I từ năm 2014 trở lại đây. Tăng trưởng GDP quý I/2018 của Thái Lan cũng đạt mức cao của 5 năm, chạm mức 4,8%.
Đối với Malaysia, mức tăng trưởng của quý I/2018 là 5,4%, mức tăng trưởng nói trên thấp hơn mức của cùng kỳ năm ngoái (5,6%) và thấp hơn mức tăng 5,9% của quý trước đó.
Quý I/2018 của Philippines ghi nhận mức tăng trưởng 6,8%, mức tăng trưởng trên cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (6,4%) và cao hơn quý liền trước đó (6,5%).
Qua đó có thể thấy mức tăng trưởng GDP của Việt Nam quý vừa qua đạt tốc độ cao nhất so với các nước láng giềng trong khu vực ASEAN.
Về lạm phát, có thể thấy rõ mối quan ngại về tăng trưởng lạm phát được thấy rõ ràng ở Philippines khi CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 4% so với cùng kỳ, trong khi đó cùng kỳ 2017 con số này chỉ là xấp xỉ 3%.
Con số trên của các nước còn lại có vẻ đang được kiểm soát tốt hơn. Cụ thể, CPI bình quân 4 tháng của Việt Nam là 2,8%, thấp hơn so với cùng kỳ 2017 (4,8%); của Indonesia là 3,31%, thấp hơn chút so với con số 3,78% của năm 2017. CPI bình quân quý I/2018 của Malaysia là 1,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (4,3%). CPI bình quân 4 tháng của Thái Lan đạt mức thấp 0,74%, thấp hơn so với mức cùng kỳ (1,03%).
Như vậy, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn đang kiềm chế lạm phát ở mức vừa phải, lạm phát chưa có dấu hiệu tăng cao, đúng với chỉ đạo của Chính phủ.
Bức tranh lưu chuyển vốn ngoại tại các thị trường Đông Nam Á
Theo thống kê của Bloomberg, không giống một số quốc gia đang phát triển khác thuộc khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn cho thấy tình hình mua ròng trên cả 2 thị trường cổ phiếu và trái phiếu từ đầu năm 2018 đến thời điểm hiện tại.
Các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mua ròng hơn 1,7 tỷ USD trên thị trường cổ phiếu và mua ròng 84,9 triệu USD trên thị trường trái phiếu Việt Nam từ đầu năm 2018. Điều này cho thấy sự hấp dẫn tương đối của thị trường Việt Nam so với các quốc gia ASEAN đang phát triển khác.
Kể cả khi trừ đi lượng mua ròng của khối ngoại trong 2 thương vụ đình đám gần nhất là FPT Retail và Vinhomes, thì khối ngoại vẫn mua ròng một lượng cổ phiếu có giá trị hơn 7.000 tỷ đồng, tương đương 309 triệu USD, một con số đáng khích lệ.
Rõ ràng với quy mô vốn hóa 139,8 tỷ USD, tức là nhỏ nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á thuộc diện so sánh, TTCK nước ta đã ghi nhận hoạt động của khối ngoại thuộc loại nhộn nhịp bậc nhất.
Tuy vậy từ bảng so sánh, có thể thấy mức giảm của VN-Index từ mức đỉnh cao trong năm 2018 lại ở mức cao nhất, giảm tới 18,7%, cho thấy mức độ phản ứng của nhà đầu tư trước các rủi ro giảm giá và điều chỉnh có vẻ hơi mạnh quá mức.
Có lẽ điều này xuất phát từ việc chỉ số chứng khoán Việt Nam đã có đà tăng hết sức ấn tượng trong những tháng đầu năm, với sự dẫn dẵn của một số ít cổ phiếu bluechip có quy mô rất lớn cũng như của ngành ngân hàng. Và giờ đây, các cổ phiếu này dường như đã dược điều chỉnh về những mức giá hợp lý và hấp dẫn hơn.
Không loại trừ khả năng dòng tiền nước ngoài bán ra trong 2 tuần gần đây nhất có thể từ quá trình tái cơ cấu của các quỹ ETF, với bản chất là từ các nguồn tiền nước ngoài nhưng của các nhà đầu tư cá nhân và mang tính đầu cơ, ngắn hạn.
Trong khi đó, dòng tiền tham gia mua ròng, đặc biệt đấu giá các thương vụ chào sàn lớn từ đầu năm, phần nhiều là của các nhà đầu tư tổ chức, mang tính chiến lược và lâu dài hơn.
Gần đây trên một số phương tiện truyền thông có đưa tin nước ngoài bán ròng gần 1 tỷ USD trên thị trường Malaysia từ đầu tháng 5 tới giờ, nhưng cần lưu ý điều này đi kèm với lực mua đối ứng của các quỹ đầu tư nội và nhà đầu tư cá nhân trong nước họ, cho thấy niềm tin đáng kể của nhà đầu tư trong nước vào chính phủ mới của Tổng thống Mahathir Mohamad trong việc cải tổ nền kinh tế và chống tham nhũng. Indonesia và Phillipines trong quý I /2018 cho thấy các yếu tố vĩ mô bất lợi hơn Việt Nam (lạm phát, thâm hụt thương mại…) và bản thân các doanh nghiệp chủ đạo của họ cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng EPS không như kỳ vọng của giới đầu tư.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng đóng góp ít nhiều vào đà giảm của thị trường chứng khoán Đông Nam Á trong 4 tháng đầu năm, gián tiếp thông qua việc các rút vốn từng phần của một số quỹ đầu tư, tuy nhiên gần đây đã bình ổn trở lại. Hai siêu cường kinh tế của thế giới đã đồng ý ngồi lại với nhau, đưa ra các nhượng bộ và cùng nhau giải quyết bất đồng thay vì tiến hành các biện pháp mạnh tay gây tổn hại sâu sắc lên nền kinh tế toàn cầu. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường cổ phiếu thế giới nói chung và các nước ASEAN nói riêng.
Ở bình diện giá dầu khí thế giới, thời gian qua cũng cho thấy các yếu tố hỗ trợ quan trọng. Sự mở rộng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, trong đó có sự liên quan của các cường quốc sản xuất dầu mỏ như Mỹ, Nga, Iran, Ả rập Xê út… đã làm giá dầu gia tăng nhanh chóng với dầu Brent vượt 80 USD và dầu WTI tiệm cận 72 USD/thùng. Ả rập Xê út, quốc gia số 1 về xuất khẩu dầu, cũng chuẩn bị rốt ráo cho việc niêm yết cổ phiếu của tập đoàn dầu khí quốc gia quy mô cực lớn là Saudi Aramco trong đầu năm 2019. Giá dầu cao là một điều rất có lợi cho sự thành công của “siêu thương vụ” này. Lượng tồn kho dầu thô tại Bắc Mỹ không cho thấy dấu hiệu gia tăng vì đẩy mạnh xuất khẩu, tức là một tín hiệu tích cực nữa đối với giới đầu tư chứng khoán.