Liệu Trung Quốc có thể vẽ lại cuộc chơi khi Việt Nam và Ấn Độ đang có ưu thế?

Theo Trí thức trẻ/South China Morning Post

"Nếu tiếp tục trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ, họ sẽ chỉ muốn rời đi nhanh hơn. Trung Quốc chắc chắn sẽ không rơi vào cái bẫy đó" - một quan chức giấu tên của Chính phủ Trung Quốc nói với South China Morning Post.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã phản ứng lại động thái của Tổng thống Trump với hàng loạt thuế quan đáp trả.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã phản ứng lại động thái của Tổng thống Trump với hàng loạt thuế quan đáp trả.

Một luồng quan điểm cho rằng chính phủ nên "ăn miếng trả miếng" để phản đòn, đánh mạnh vào các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc. Nhưng cũng có một lập luận khác là thay vì trừng phạt các công ty nước ngoài - đặc biệt là các công ty Mỹ - Trung Quốc nên thân thiện hơn với họ.

Ban đầu, không muốn tỏ ra nhân nhượng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phản ứng lại động thái của Tổng thống Trump với hàng loạt thuế quan đáp trả. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã chọn cho mình một nước cờ mới. Thay vì trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, chính phủ đã cố gắng xoa dịu và trấn an họ, hứa hẹn sẽ giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường rộng lớn của Trung Quốc, mang lại một sân chơi bình đẳng và hạn chế vai trò của nhà nước trong các hoạt động kinh tế thường nhật.

"Nếu tiếp tục trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ, họ sẽ chỉ muốn rời đi nhanh hơn. Trung Quốc chắc chắn sẽ không rơi vào cái bẫy đó" - một quan chức giấu tên của Chính phủ Trung Quốc nói với South China Morning Post. 

Sự nhún nhường của chính quyền Trung Quốc với các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện rất rõ nét trong Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc sẽ được tổ chức ở Thượng Hải năm thứ hai liên tiếp. Chủ tịch Tập Cận Bình liên tục mời gọi rằng cánh cửa của Trung Quốc sẽ mở rộng hơn, và Trung Quốc sẽ công bố các sáng kiến ​​chính sách mới, giúp các thương nhân và nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường nội địa 1,4 tỷ người tiêu dùng của Trung Quốc.

Những lời hứa sẽ đi kèm với một danh sách dài các ưu đãi để thuyết phục các nhà đầu tư toàn cầu rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn rộng mở đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trung Quốc đã hứa sẽ dỡ bỏ từng bước, và cuối cùng xóa bỏ hoàn toàn giới hạn quyền sở hữu nước ngoài đối với các tổ chức tài chính và các công ty xe hơi. Trung Quốc đã nhanh chóng chấp thuận cho Tesla sản xuất ô tô điện trong nhà máy hoàn toàn mới thuộc sở hữu của Thượng Hải. Trung Quốc cũng đang thảo luận một loạt các luật và quy định mới, hứa hẹn sẽ đối xử công bằng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài.

Wang Shouwen, Phó bộ trưởng Thương mại, từng là thành viên chủ chốt của nhóm đàm phán thương mại Trung Quốc với Mỹ, cho biết hôm 29/10 rằng Trung Quốc sẽ chủ động cải tổ luật pháp, thay đổi hoặc loại bỏ những quy định được coi là không công bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài - điều mà Bắc Kinh chưa bao giờ làm được kể từ khi họ đàm phán gia nhập WTO hơn hai thập kỷ trước.

World Bank đã ghi nhận nỗ lực cải cách của Bắc Kinh, giúp Trung Quốc tăng 14 bậc trong Bảng xếp hạng Dễ dàng kinh doanh vào đầu tháng 10. Tổ chức này lưu ý rằng Trung Quốc chỉ ban hành 6 chính sách cải cách mở cửa thị trường từ năm 2016 đến 2018, nhưng riêng năm nay đã thực hiện 7 cải cách, với kế hoạch cho 8 cải cách trong năm tới.

Dữ liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển cho thấy rằng FDI vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 đã tăng 4% so với cùng kỳ lên 73 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là nước nhận vốn đầu tư lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Lời hứa tiếp tục mở cửa của Bắc Kinh cũng là một phần quan trọng trong việc bảo vệ vị trí của Trung Quốc tại chuỗi giá trị toàn cầu.

Cố gắng "tử tế" hơn với các công ty nước ngoài, liệu Trung Quốc có thể vẽ lại cuộc chơi khi Việt Nam và Ấn Độ đang có ưu thế?

Vai trò "công xưởng thế giới" của Trung Quốc đã bị lu mờ do chi phí sản xuất trong nước liên tục tăng, ngay cả trước khi chiến tranh thương mại bùng nổ, dẫn đến một danh sách dài các nhà sản xuất nước ngoài chuyển sang Việt Nam và Ấn Độ. Samsung gần đây đã đóng cửa nhà máy điện thoại di động cuối cùng của họ tại Trung Quốc.

Gần đây, một loạt các nhà sản xuất như Nintendo, Sharp, Techtronic và Kyocera đều công bố kế hoạch di rời hoạt động sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam. Foxconn đã mua lại một mảnh đất tại Việt Nam để xây dựng nhà máy mới. Năm ngoái, GoerTek cho biết công ty đang chuyển dây chuyền sản xuất từ ​​Sơn Đông sang Việt Nam. Nikkei tiết lộ rằng Google đã bắt đầu chuyển đổi một nhà máy Nokia cũ ở tỉnh Bắc Ninh để sản xuất điện thoại thông minh Pixel.

Chính phủ rất chú ý đến vai trò của FDI với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua, mang lại không chỉ dòng tiền mà còn giúp Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ tiên tiến. Thống kê riêng của Trung Quốc cho thấy khoản FDI lũy kế trị giá 2,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 1978 đến 2018 đã giúp nền kinh tế của Trung Quốc phát triển từ một quốc gia bị cô lập thành một cường quốc toàn cầu. Do đó, việc giành được trái tim các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là rất quan trọng đối với tương lai kinh tế của Trung Quốc. 

Nhưng Trung Quốc cũng đã quá nổi tiếng với việc tẩy chay các công ty vô tình "động chạm" đến họ. Peter Quinter, một cổ đông kiêm luật sư hải quan tại công ty luật GrayRobinson (Mỹ), cho biết sẽ là sai lầm nếu các doanh nghiệp mong đợi rằng Trung Quốc sẽ cung cấp những gì các nhà đầu tư muốn "dễ như ăn bánh".

Một cuộc tẩy chay tự phát của người dân Trung Quốc đã đẩy Lotte (Hàn Quốc) ra khỏi thị trường đại lục.
Một cuộc tẩy chay tự phát của người dân Trung Quốc đã đẩy Lotte (Hàn Quốc) ra khỏi thị trường đại lục.

Một cuộc tẩy chay tự phát của người dân Trung Quốc đã đẩy Lotte (Hàn Quốc) ra khỏi thị trường đại lục sau khi chính quyền Seoul đồng ý lắp đặt hệ thống chống tên lửa của Mỹ trên đất nước họ. Sau khi tổng giám đốc của Houston Rockets tweet một thông điệp ủng hộ người biểu tình Hong Kong, người Trung Quốc đã phản đối công khai và cắt sóng hầu hết các chương trình phát sóng NBA ở Trung Quốc.

Trey McArver, đồng sáng lập của công ty nghiên cứu Trivium China cho biết những vụ việc này phản ánh lý do tại sao Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc lôi kéo doanh nghiệp nước ngoài.