Lĩnh vực kiểm toán ngân sách bộ, ngành: Nhìn lại để vững vàng bước tiếp
Kiểm toán ngân sách bộ, ngành (NSBN) là một trong những nhiệm vụ then chốt, gắn liền với sự hình thành và phát triển của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Trước những thách thức đặt ra, lĩnh vực kiểm toán NSBN cần phải có sự hoàn thiện, đổi mới và có những bước phát triển phù hợp với sự phát triển chung của toàn xã hội.
Nhiều thành công nhưng cũng lắm thách thức
Những năm đầu thành lập KTNN, lĩnh vực kiểm toán NSBN (tiền thân là Vụ Kiểm toán NSNN) chỉ thực hiện mỗi năm từ 2 đến 3 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các Bộ, ngành. Đến nay, số cuộc kiểm toán đã tăng lên đáng kể, trung bình mỗi năm KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công của khoảng 15 Bộ, ngành, cơ quan T.Ư, trong đó, nhiều Bộ có quy mô ngân sách lớn, được kiểm toán hằng năm hoặc định kỳ 2 năm 1 lần, như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải…
Cùng với việc gia tăng về số lượng cuộc kiểm toán thì phạm vi, nội dung kiểm toán cũng đã có những bước chuyển biến. Thời gian qua, các đơn vị kiểm toán NSBN đã chủ trì và thực hiện hàng chục cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động có quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.
Chỉ riêng với các cuộc kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, trong 3 năm từ 2016-2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 3.033,58 tỷ đồng, kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi bổ sung, ban hành mới 69 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực kiểm toán NSBN cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể là: Các quy định của Nhà nước đối với NSBN chưa thích ứng kịp thời với sự vận hành, biến chuyển của nền kinh tế. Hiện nay, NSBN chủ yếu bao gồm các khoản kinh phí NSNN cấp cho hoạt động quản lý nhà nước tại cơ quan văn phòng Bộ. Với những đơn vị sự nghiệp trực thuộc, các Bộ, ngành đang dần chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, hoạt động sự nghiệp có thu theo các nghị định của Chính phủ. Nhiều đơn vị cho rằng, nguồn thu và chi đó là của đơn vị, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của đơn vị. Điều này đã khiến KTNN gặp khó khăn khi kiến nghị xử lý các khoản thu sai quy định hoặc chi sai quy chế chi tiêu nội bộ.
Trên thực tế, hệ thống văn bản quản lý tại nhiều Bộ, ngành còn bất cập và chưa đồng bộ; một số ngành chưa ban hành hệ thống tiêu chuẩn định mức, chưa có cơ sở xác định giá dịch vụ, tính chi phí, hiệu quả của dịch vụ công, các quy định về tự chủ còn thiếu và chưa thống nhất… Với những nội dung này, KTNN thường phải thực hiện kiểm toán chuyên đề.
Tuy nhiên, khi thực hiện kiểm toán các chủ đề mang tính chất cơ chế, KTNN đã gặp những khó khăn không nhỏ, như: trình độ phân tích cơ chế và kinh tế vĩ mô của kiểm toán viên còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn 20 năm qua, kiểm toán viên chủ yếu chỉ thực hiện kiểm toán tài chính nên ngại đào sâu suy nghĩ về sự ảnh hưởng, tác động của những quy định đối với xã hội, công chúng nói chung. Nếu được triển khai rộng rãi, các cuộc kiểm toán việc thực hiện cơ chế phải có sự thấu hiểu cũng như có sự nhìn nhận đánh giá thỏa đáng về kết quả kiểm toán. Kiến nghị kiểm toán ở đây không chỉ là tăng thu hoặc giảm chi NSNN mà quan trọng hơn là phải đưa ra khuyến nghị điều chỉnh, hoàn thiện để cơ chế, chính sách vận hành được tốt hơn, hiệu quả hơn.
Hiện nay, phạm vi và lĩnh vực kiểm toán NSBN cũng chưa được bao phủ thường xuyên và toàn diện; số đơn vị được lựa chọn kiểm toán hằng năm chưa cao, còn có nhiều đơn vị, nhiều lĩnh vực chưa được kiểm toán.
Tại một số Bộ, ngành, không ít bất cập, hạn chế về quản lý tài chính còn kéo dài qua các năm. Mặc dù KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị để xử lý dứt điểm nhưng các đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Theo quy định, báo cáo kiểm toán có tính pháp lý bắt buộc phải thực hiện, song chế tài đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ lại chưa rõ ràng, chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể.
Để lĩnh vực kiểm toán NSBN có bước phát triển phù hợp trong tương lai
Muốn hoàn thiện, đổi mới và có những bước phát triển phù hợp, trong thời gian tới, lĩnh vực kiểm toán NSBN cần phải từng bước thay đổi về nội dung và phương pháp kiểm toán; cần tập trung thời gian và nhân lực thực hiện kiểm toán công tác quản lý điều hành ngân sách, tăng cường kiểm toán tổng hợp để đánh giá việc thực hiện chức năng nhiệm vụ và hiệu lực của chính sách, chế độ của Nhà nước. Quy trình và phương pháp kiểm toán phải phù hợp với chu trình hoạt động cũng như đặc điểm và cách thức tổ chức quản lý điều hành của từng Bộ, ngành.
Các chuyên ngành cần hướng đến loại hình kiểm toán hoạt động, tăng số lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán đánh giá tác động cũng như sự vận hành của chính sách, cơ chế. Các cuộc kiểm toán này cần được nhìn nhận đúng mức để có thể truyền tải đến đội ngũ kiểm toán viên về sự cần thiết và yêu cầu tất yếu của kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động trong sự phát triển kiểm toán NSBN. Trình độ đội ngũ kiểm toán viên phải được chú trọng đào tạo nâng cao để có thể đáp ứng yêu cầu khi chuyển sang kiểm toán chuyên đề và kiểm toán hoạt động.
Cùng với việc đồng bộ các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, các chuyên ngành cần xây dựng cẩm nang nội dung kiểm toán đặc thù nhằm hỗ trợ cho kiểm toán viên khi thực hiện nhiệm vụ; nhất thiết phải ban hành các hướng dẫn về xử lý tài chính để thống nhất thực hiện, đặc biệt là đối với các khoản thu, chi sai quy định tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, các nội dung về phân bổ sai, sử dụng sai nội dung nguồn kinh phí…
Một điều quan trọng nữa, các đơn vị kiểm toán NSBN phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và trong hoạt động kiểm toán; tập trung triển khai các ứng dụng nền tảng phục vụ tích hợp kết nối liên thông với hệ thống thông tin tài chính quốc gia cũng như hệ thống thông tin của đơn vị được kiểm toán, với mục đích giảm thiểu thời gian, số lượng cuộc kiểm toán mà vẫn bao phủ được phạm vi kiểm toán như yêu cầu.