Lộ diện "người thừa kế" của đế chế thời trang Prada

Theo Khánh Hà/diendandoanhnghiep.vn

Tại Prada, dường như "người được chọn" kế nghiệp ông Patrizio Bertelli chính là cậu con trai Lorenzo...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Bloomberg, để con cái tiếp quản đế chế kinh doanh gia đình là điều phổ biến trong các gia đình tài phiệt châu Âu. Trong ngành thời trang, tỷ phú Francois Pinault - nhà sáng lập thương hiệu Kering SA - trao lại quyền lực cho con trai Francois-Henri. Doanh nhân 58 tuổi giữ chức chủ tịch và giám đốc điều hành tập đoàn từ năm 2005.

Hãng thời trang xa xỉ Prada cũng không ngoại lệ. Lorenzo Bertelli, 32 tuổi, con trai của nữ tỷ phú Miuccia Prada tiếp quản vị trí lãnh đạo bộ phận marketing, truyền thông và trách nhiệm xã hội của tập đoàn.

Sự khởi đầu của lịch sử Prada

Prada là thương hiệu thời trang cao cấp của Ý nổi tiếng với các dòng sản phẩm xa xỉ như trang phục nam nữ và phụ kiện bao gồm túi xách, giày, đồng hồ, mắt kính… Thành công của thương hiệu là nhờ vào cuộc hôn nhân mỹ mãn giữa Miuccia Prada với tầm nhìn thời trang đi trước thời đại và thương gia Patrizio Bertelli với đầu óc kinh doanh sắc bén.

Thương hiệu Prada khởi nghiệp vào đầu thế kỷ trước. Năm 1913, Mario Prada mở một cửa hàng sang trọng ở Galleria Vittorio Emanuele II tại Milan, chuyên bán túi xách da, rương đi du lịch, phụ kiện bằng da, hộp đựng đồ trang điểm, phụ kiện sang trọng và các sản phẩm có giá trị.

Nhờ những hàng hóa thiết kế riêng bằng thủ công sử dụng vật liệu tốt và kỹ thuật tinh xảo, Prada nhanh chóng được các tầng lớp quý tộc và giai cấp tư sản châu Âu yêu chuộng và truyền miệng.

Năm 1919, Prada chính thức trở thành nhà cung cấp cho hoàng tộc Ý. Thương hiệu Prada ngày càng gia tăng danh tiếng và uy tín theo thời gian.

Năm 1958, Mario Prada qua đời. Vì thành kiến phụ nữ không thể làm kinh doanh, Mario đã không cho bất kỳ người phụ nữ nào trong gia đình tham gia vào công ty. Tuy nhiên, do người con trai của ông không có hứng thú với kinh doanh nên cuối cùng, con gái của ông, Luisa Prada trở thành người kế nhiệm thương hiệu.

Năm 1977, Miuccia Prada thừa kế gia nghiệp từ tay mẹ dù khi đó cô đã có trong tay bằng tiến sỹ khoa học chính trị và mong muốn trở thành diễn viên kịch câm. Không ai ngờ chính Miuccia Prada là người sẽ tạo ra thành tích vượt trội cho nhà Prada, biến một công ty chỉ bán đồ da thành thương hiệu hàng đầu trong ngành thời trang Ý.

Bước ngoặt lớn nhất của tập đoàn là khi Miuccia Prada bắt đầu hợp tác với Patrizio Bertelli, một nhà kinh doanh trong ngành da thuộc. Ông cho rằng cô nên ngừng bán các mặt hàng của thương hiệu khác tại cửa hàng Prada mà làm lại những thiết kế túi xách, hành lý bằng da nguyên gốc của ông cô và tập trung sản xuất tại Ý.

Bertelli từ vai trò người cố vấn trở thành phu quân của Miuccia Prada năm 1987. Cuộc hôn nhân mỹ mãn giữa một đầu óc kinh doanh chiếc lược và một tài năng “tiên tri” trong thời trang đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhà Prada.

Để mở rộng kinh doanh, Miuccia và Bertelli đã đưa túi Prada vào bán trong các trung tâm bách hóa và boutique cao cấp trên toàn thế giới . Năm 1983, Prada mở cửa hàng thứ hai ở Via della Spiga, khu mua sắm uy tín nhất của Milan. Cửa hàng mới được thiết kế gợi nhớ đến cửa hàng khi xưa nhưng hiện đại và hào nhoáng hơn. Trước đó một năm, hãng đã cho ra mắt dòng giày đầu tiên.

Năm 1984, Miuccia đưa ra mẫu ba lô làm bằng chất liệu ni-lông đen, một bước đột phá chưa từng có lúc bấy giờ. Chiếc túi này không được đón nhận ở thời điểm ra mắt nhưng đến năm 1995, nó đã trở biểu tượng đẳng cấp nhất và là niềm ao ước nhất của mọi tín đồ thời trang. Cùng năm, Prada bành trướng khắp châu Âu và châu Mỹ với các cửa hàng ở các trung tâm mua sắm tại Florence, Paris, Madrid và New York.

Năm 1985, Miuccia phát hành mẫu túi Prada classic và ngay lập tức trở thành hiện tượng. Chiếc túi mang tính thiết thực và mạnh mẽ cùng với những đường nét sang trọng và thủ công tinh tế đã trở thành sản phẩm tiêu biểu của nhà Prada.

Mặc dù là thương hiệu cao cấp nhưng logo của Prada không được thiết kế cầu kỳ và đặc trưng như các hãng khác vì Prada chủ trương không chú trọng giai cấp và sự màu mè của các trưởng giả học làm sang.

Năm 1989, Prada ra mắt bộ sưu tập thời trang ready-to-wear đầu tiên dành cho nữ. Dòng thời trang Prada nổi tiếng với các thiết kế tối giản đã trở thành chuẩn mực cho vẻ đẹp thanh lịch và sang trọng. Những đường cắt cúp tinh tế, phom dáng cứng cáp, họa tiết art deco đậm tính kiến trúc nhưng không bao giờ lỗi mốt là một trong những hình ảnh đóng mác Prada.

Doanh số bán hàng của hãng đạt được 31,7 triệu đô-la ở Mỹ vào năm 1998. Partrizio di Marco trở thành người phụ trách phát triển kinh doanh tại Mỹ sau khi làm việc cho các cửa hàng của Prada tại châu Á. Ông đã đem lại nhiều thành công cho công ty.

Lộ diện "người thừa kế"

Tại tập đoàn Prada, gương mặt được chú ý gần đây là anh Lorenzo Bertelli, con trai cả của bà Miuccia Prada và chồng Patrizio Bertelli. Hai vợ chồng đứng đầu đế chế Prada vốn kín tiếng về việc kế thừa của gia đình, nhiều tin đồn hành lang cho rằng họ sẽ bán tập đoàn Prada cho một đối thủ cạnh tranh. Giờ đây, việc công khai đưa con trai vào vị trí phát triển tập đoàn sẽ giúp ngăn chặn những tin đồn ác ý này.

"Lorenzo rất chín chắn," tỷ phú Patrizio Bertelli nói về con trai 33 tuổi trong cuộc phỏng vấn tại khu phức hợp Prada Foundation ở Milan hôm 17/11. Ông Bertelli cho biết dự định để Lorenzo nắm quyền điều hành hãng thời trang do ông và vợ Miuccia cùng phát triển từ những năm 1970 đến nay.

Cái tên Lorenzo Bertelli chỉ được giới thời trang biết đến năm 2017 khi anh bắt đầu tham gia vào việc kinh doanh của gia đình. Hồi tháng 05/2021, Lorenzo Bertelli chính thức trở thành một thành viên của Hội đồng quản trị. Anh cũng được giao nhiệm vụ trẻ hóa tập đoàn, lãnh đạo các chiến lược phát triển được cho là quan trọng cho tương lai Prada.

Lorenzo Bertelli bắt đầu ở vị trí giám đốc truyền thông và quảng cáo của tập đoàn. Hai năm sau, anh nhận thêm nhiệm vụ lãnh đạo mảng phát triển vì xã hội, môi trường và cộng đồng. Như vậy, anh chịu trách nhiệm không chỉ cho thương hiệu Prada, mà còn cho cả những thương hiệu khác như Miu Miu, Car Shoes, và Church’s.

Xuất thân là một cựu tay đua xe địa hình với ít kinh nghiệm kinh doanh, nhưng Lorenzo Bertelli đã thúc đẩy thương mại điện tử và xây dựng một kế hoạch thương hiệu bền vững. Ngày nay, người dùng khắp thế giới có thể nhận thấy sự "thay da đổi thịt" của thương hiệu Prada qua các kế hoạch đầu tư số và tập trung vào các loại vải thân thiện với môi trường.

Tính đến giữa năm 2021, doanh thu của tập đoàn Prada đã khôi phục, trở về mức trước khi đại dịch ập đến. Doanh số đến từ kênh online tăng trưởng gấp ba lần. Ngoài ra, một trong những dự án đầu tiên Lorenzo thực hiện khi đến với tập đoàn là áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu của Adobe cho các kênh bán hàng cũng như mạng xã hội. Công nghệ Adobe giúp tập đoàn Prada hiểu rõ hơn về nhu cầu của người dùng, để cải thiện trải nghiệm người dùng và sản phẩm.

Bloomberg nhận định kế hoạch kế vị trên là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy gia đình Bertelli có ý định tiếp tục nắm quyền điều hành tập đoàn thời trang hàng đầu Italy. Trong cuộc phỏng vấn, tỷ phú Bertelli cho biết Prada không có ý định liên kết với bất kỳ tập đoàn xa xỉ nào trên toàn cầu và công ty không tìm kiếm nhà đầu tư vì không cần thêm vốn. Prada Holding của gia đình ông sở hữu khoảng 80% cổ phần Prada được niêm yết tại Hong Kong.

Ông chủ Prada (75 tuổi) cho biết việc nhượng lại quyền kiểm soát công ty cho người ngoài không phù hợp tiêu chí của ông. "Tôi luôn quan tâm đến việc mua chứ không bao giờ bán. Tôi vẫn còn giữ chiếc Vespa Primavera, những chiếc xe máy Honda của mình, tất cả. Tôi không phải là người bán bất cứ thứ gì đã có".