Lo mất thương hiệu Việt?
Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 2 tháng đầu năm HNX đã tổ chức bán cổ phần lần đầu tại 4 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Tổng giá trị thực tế thu về sau IPO của 4 đơn vị gần 18.000 tỷ đồng. Một trong những điểm nhấn là phiên IPO hơn 468,37 triệu cổ phần của Công ty mẹ - PV Power, đã bán hết 100% số cổ phần chào bán cho 1.928 nhà đầu tư, thu về cho Nhà nước hơn 6.996 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần đạt 2.312 tỷ đồng (chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 251,9 tỷ đồng). Đặc biệt, khối lượng trúng giá của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lên đến 284,44 triệu cổ phần, tương đương 61% tổng số cổ phần trúng giá.
Không thể phủ nhận sự quan tâm của NĐTNN trong việc tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. Thống kê từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy 2 tháng đầu năm cả nước đã có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN, với tổng giá trị góp vốn hơn 1,2 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đó là chưa kể việc NĐTNN vẫn đang liên tục rót vốn vào giao dịch mua cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn niêm yết.
Nhưng đằng sau hàng loạt hoạt động sôi động góp vốn mua cổ phần thời gian qua của NĐTNN là những điều đáng suy ngẫm. Thí dụ, Công ty TNHH Vietnam Beverage, trong đó Thai Beverage (ThaiBev) - do tỷ phú người Thái Lan là Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu 49% - đã mua gần như trọn lô thầu hơn 343 triệu cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 54% vốn (khoảng 4,8 tỷ USD). Điều này cũng đồng nghĩa người Thái đã sở hữu 54% vốn của công ty chiếm thị phần lớn nhất ngành bia Việt Nam.
Hay mới đây, ngày 9/3, Nawaplastic - công ty trực thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan - cũng đã hoàn thành việc thâu tóm Nhựa Bình Minh (BMP). Sau khi tham gia đấu giá mua cổ phần, Nawaplastic đã nâng sở hữu vốn điều lệ BMP từ 20,4% lên 49,92%. Thực tế SCG có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam. Bởi tập đoàn này sở hữu Nhựa Tiền Phong (TPC) Việt Nam, một công ty sản xuất hạt nhựa với mạng lưới phân phối tốt nhất tại Việt Nam hiện nay. Còn với BMP, doanh nghiệp đang nắm 50% thị phần phía Nam sẽ là một lựa chọn tốt cho tham vọng này của SCG. Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều thí dụ về nhiều thương hiệu Việt lớn đang rơi dần vào tay NĐTNN.
Chủ trương thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp vốn được coi là “gà đẻ trứng vàng” như Sabeco, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Nhựa Bình Minh… đang thực sự là những thông tin nóng trên thị trường mua bán sáp nhập khu vực. Nhà nước sẽ rút dần vốn của mình khỏi những lĩnh vực không trọng yếu, để các thành phần kinh tế khác tham gia. Tất cả nhà đầu tư có tiềm lực không phân biệt trong và ngoài nước đang có nhiều cơ hội để góp vốn, mua cổ phần ở những doanh nghiệp Việt một thời họ từng mơ ước.
Nhưng sự tham gia mạnh mẽ của NĐTNN lại đưa đến câu hỏi: thương hiệu Việt sẽ đi về đâu? Trong khi đó, nếu nhắc đến Hàn Quốc người ta nhắc đến Samsung, LG, Hyundai; hay Nhật Bản là những cái tên Toyota, Sony, Panasonic, Canon.
Có rất nhiều lý do để Nhà nước thoái vốn hay doanh nghiệp trong nước bán cổ phần với tỷ lệ lớn cho NĐTNN. Đó là quản trị kém, hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; thiếu tiềm lực, chưa làm chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp… Sự tham gia một tỷ lệ nhất định của NĐTNN sẽ giúp doanh nghiệp được cổ phần hóa tiếp thu được nguồn lực kinh doanh tiên tiến, tăng sức cạnh tranh.
Thế nhưng, rõ ràng việc NĐTNN nắm giữ tỷ lệ lớn tại hàng loạt thương hiệu lớn cũng đặt ra nhiều suy nghĩ về khả năng mất thị trường ở nhiều lĩnh vực. Hay nói như GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda Tokyo: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là cần thiết, nhưng việc thực thi cần cân nhắc đến yếu tố nước ngoài, có lúc cũng phải đi chậm lại hoặc là nâng đỡ để doanh nghiệp trong nước tích cực tham gia.