Lo ngại việc doanh nghiệp tự kê khai làm căn cứ nhận hỗ trợ
Tại buổi họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 29/09/2017, dù đồng tình với nội dung của dự thảo, song vẫn còn một số lo ngại về việc doanh nghiệp tự kê khai quy mô để làm căn cứ nhận hỗ trợ, tiến độ nghị định hay nguồn lực cho hỗ trợ.
Lo ngại về quy định doanh nghiệp tự xác định quy mô
Để cụ thể hóa các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Điều 4, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự thảo Nghị định quy định chi tiết 3 quy mô doanh nghiệp (siêu nhỏ, nhỏ, vừa) tương ứng với 3 khu vực ngành kinh tế (nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ).
Hiện tại, dự thảo Nghị định bao gồm 4 chương và 28 điều. Cụ thể: Chương 1: Những quy định chung (9 điều); Chương 2: Hỗ trợ thông tin, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực (3 điều); Chương 3: Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (14 điều); Chương 4: Điều khoản thi hành (2 điều).
Đặc biệt, việc xác định có phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không sẽ được doanh nghiệp tự kê khai quy mô tương ứng của doanh nghiệp mình để làm căn cứ nhận hỗ trợ.
Cơ quan thực hiện hỗ trợ chỉ xác minh việc doanh nghiệp nhỏ và vừa tự xác định nếu có nhu cầu và cơ quan thực hiện hỗ trợ sẽ trực tiếp xác nhận tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và cơ quan thuế.
Điều này được đưa ra tại Nghị định nhằm tránh cơ chế xin - cho, phát sinh thủ tục hành chính gây gánh nặng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng, việc để doanh nghiệp tự kê khai sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về thông tin, nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này để trục lợi bất chính.
Vì vậy, bà Minh cho rằng vẫn cần có các giấy tờ để chứng minh việc khai nhận là đúng sự thật.
Ở góc độ khác, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh lại đánh giá cao quy định này và cho rằng, quy chế tự khai, tự chịu trách nhiệm là rất quan trọng trong bối cảnh Chính phủ kêu gọi cắt giảm thủ tục hành chính như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh, Nghị định không chỉ cần quy định việc doanh nghiệp phải tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về quy mô doanh nghiệp, mà còn với toàn bộ hồ sơ xin hỗ trợ. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề xuất cần công bố toàn bộ danh sách doanh nghiệp được hỗ trợ, và mức hỗ trợ trên một Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để toàn xã hội giám sát các doanh nghiệp được hỗ trợ.
Đại diện về phía địa phương, bà Trần Thị Bình Minh cho biết, mặc dù đồng tình với phần lớn nội dung trong dự thảo, nhưng theo bà Minh thì vẫn cần phải chi tiết hơn, nhất là những quy định về tỷ lệ hỗ trợ, thời hạn miễn giảm tiền sử dụng đất…
Ông Lê Văn Quân, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng cho rằng, Nghị định nên quy định rõ khung hỗ trợ bao nhiêu % hoặc tối đa bao nhiêu % để về các tỉnh thành dễ làm, nếu không thì lại phải xin ý kiến UBND, nên rất phức tạp và mất thời gian.
Bên cạnh đó, đối với các tỉnh thành lớn, có nguồn ngân sách địa phương dồi dào, rất muốn chi cho các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng vẫn bị vướng do chính sách không quy định. Chính vì vậy, ông Quân cũng cho rằng, Nghị định nên quy định như thế nào đó để các địa phương có vốn dễ thực hiện nhất.
Đối với nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ, ông Quân cũng đề nghị Nghị định quy định rõ nguồn ngân sách là nguồn chi thường xuyên, chứ không phải nguồn đầu tư phát triển, vì kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 1 lần.
Đại diện cho Hải Phòng, ông Trần Việt Tuấn cũng tỏ rõ sự khó khăn trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ khi không có những quy định cụ thể nêu rõ trách nhiệm của địa phương.
“UBND và HĐND lúc nào cũng ủng hộ, nhưng khi lập đề án xin cấp vốn thì lại rất khó khăn, với những lý do, như: ngân sách hạn hẹp, ưu tiên phát triển cái khác…”, ông Tuấn cho biết.
Lắng nghe các ý kiến của địa phương, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho rằng, ban soạn thảo cần lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ địa phương, vì địa phương là cơ quan thực hiện, tránh các quy định làm khó cho địa phương và đặc biệt là nghị định hỗ trợ càng cụ thể thì càng tốt để các địa phương dễ triển khai.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng mong muốn, ban soạn thảo và tổ biên tập đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Nghị định để khi Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 sẽ đi ngay được vào cuộc sống.