Vì sao các startup khó tiếp cận vốn đầu tư?
Vốn được xem là năng lượng cho cỗ máy khởi nghiệp (startup) và việc tìm kiếm nguồn năng lượng "sạch và mạnh" luôn là khúc mắc của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thế nhưng vì sao có rất nhiều quỹ đầu tư luôn sẵn sàng mở hầu bao nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách đón nhận?
2 vấn đề của doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, những vấn đề chính doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải khi tìm kiếm nguồn vốn thường là khó khăn trong tiếp cận và thiếu sự chuẩn bị cho dự án. Trong giai đoạn tìm hiểu, đa phần doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu thông tin. Kết nối với các quỹ đầu tư không khó, tại Việt Nam đang có rất nhiều quỹ, thậm chí có thể tìm ngay trên... Google.
Kỹ năng cần thiết nhất để tìm được nguồn vốn là phải biết giới thiệu dự án thật hấp dẫn để thuyết phục nhà đầu tư. Làm việc ở quỹ đầu tư, mỗi ngày chúng tôi nhận hàng chục đề án và không có đủ thời gian để xem xét. Một sinh viên giỏi mà không có khả năng viết một sơ yếu lý lịch tốt thì khó thuyết phục nhà tuyển dụng. Tương tự, việc trình bày dự án trước nhà đầu tư là yếu tố sống còn quyết định thành công của một nhà khởi nghiệp.
Tôi nhận thấy sai lầm lớn của nhà khởi nghiệp khi thuyết phục nhà đầu tư là chỉ nói những gì mình muốn hơn là nói điều họ muốn nghe, chú trọng đến sự tâm huyết hơn là đưa ra những đề nghị cho nhà đầu tư lựa chọn. Đây cũng là căn bệnh thường thấy ở một số bạn trẻ khởi nghiệp: tự tin thái quá. Điều này dễ gây "mất điểm", vì nhà đầu tư chính là những doanh nhân lão luyện và đầy kiến thức, họ rất giỏi trong các lĩnh vực.
Mặt khác, các bạn thường không mạnh dạn đề nghị một mức vốn cụ thể. Nhà đầu tư khi rót vốn là muốn đồng hành cùng dự án chứ không phải để hướng dẫn, hay để được "cầm tay chỉ việc".
Khi rót vốn cho doanh nghiệp, các quỹ đầu tư không chỉ đưa tiền mà trao luôn cả uy tín của họ. Chính vì vậy, điều quan trọng luôn được các quỹ đầu tư đặt lên hàng đầu là xem xét dự án của doanh nghiệp khởi nghiệp có vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và các phạm trù đạo đức hay không. Nhà đầu tư luôn tuân thủ pháp luật tại quốc gia sở tại và luật pháp quốc tế với sự am hiểu lẫn kinh nghiệm nhận biết. Chẳng quỹ đầu tư nào mặn mà với dự án dính vào rắc rối với pháp luật.
Vậy vốn hay ý tưởng là điều quan trọng nhất? Tâm lý chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn cho rằng ý tưởng của mình là "độc nhất vô nhị" mà không cho thấy tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp làm ra sản phẩm tốt mà lại không bán được để có lợi nhuận thì sẽ khó thuyết phục nhà đầu tư, bởi lợi nhuận là mục đích cuối cùng của quỹ đầu tư.
Một trong rất nhiều cái thiếu của doanh nghiệp khởi nghiệp là kiến thức kinh doanh. Theo tôi thống kê, hầu hết các bạn khởi nghiệp là dân kỹ thuật và marketing. Tôi từng biết một bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp với cây xanh trồng trong ly thủy tinh, và "ý tưởng" tiếp theo là sau khi bán cho khoảng 100 khách hàng sẽ tạo ra một cộng đồng để họ... tự trao đổi kinh nghiệm với nhau. Kết quả là dự án của bạn nhanh chóng kết thúc vì khi khách tự trao đổi với nhau thì chẳng ai mua sản phẩm của bạn nữa!
Bên cạnh đó, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không đưa ra được phương án sử dụng cũng như cách phân bổ nguồn vốn vì thiếu kiến thức về tài chính. Không nhà đầu tư nào chấp nhận điều này vì họ luôn muốn kiểm soát việc phân bổ nguồn vốn một cách hợp lý trong từng giai đoạn của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nghĩ lớn, khởi đầu nhỏ
Có 2 dạng nhà đầu tư: nhà đầu tư tài chính sẽ rót vốn để đồng hành cùng dự án, khi đạt được mục tiêu sẽ không tiếp tục tham gia, còn nhà đầu tư cùng ngành sẽ đầu tư để thâu tóm. Những quỹ đầu tư lớn thường không hào hứng với các doanh nghiệp khởi nghiệp mà ngay từ đầu đã khiến họ cảm thấy thiếu tin tưởng bởi sẽ khó cùng họ đi đến đích.
Tôi cũng muốn đề cập đến mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam thường bị ảnh hưởng bởi lý thuyết của Michael Porter - nhà tư tưởng chiến lược và là một trong những "bộ óc" quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới, chuyên gia hàng đầu về chiến lược và chính sách cạnh tranh của thế giới, cha đẻ của lý thuyết lợi thế cạnh tranh của các quốc gia. Tạo ra sản phẩm có giá trị khác biệt, chi phí thấp để nhanh chóng giành lấy thị phần là mô hình đã xưa cũ. Mô hình hiện nay là tất cả hướng đến khách hàng, tạo ra giá trị cho khách hàng và họ sẽ quyết định sự thành công của bạn. Muốn vậy, bạn phải tạo ra sản phẩm phục vụ cho khách hàng chứ không phải bán sản phẩm mình có.
Khoảng 70% số nhà khởi nghiệp không biết lập mô hình kinh doanh. Tại Mỹ, khi làm việc với nhà đầu tư, câu đầu tiên nhà khởi nghiệp được hỏi là: "Mô hình kinh doanh của anh là gì?". Nhà đầu tư chỉ nhìn vào đây để quyết định có rót vốn hay không.
Quan niệm khởi nghiệp trên thế giới hiện nay là "think big, start small" (nghĩ lớn, khởi đầu nhỏ). Tư duy từ một bức tranh lớn nhưng lựa chọn giá trị tốt nhất có thể làm được để từ đó phát triển lên. "Move fast" (di chuyển nhanh) là giai đoạn chuẩn bị về kiến thức, khả năng quản trị, vốn, nhân sự, sự trải nghiệm để đi nhanh. Và nếu cảm thấy "con đường mình đi đến đây là bế tắc", hãy dũng cảm dừng lại!