Loạt ngân hàng lãi dự thu tăng mạnh như... nợ xấu

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, lãi dự thu nhiều ngân hàng tăng nhanh, thậm chí, có ngân hàng lãi dự thu tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, nợ xấu cũng là điểm trừ trong kết quả kinh doanh quý II.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hiện quy mô khoản lãi dự thu của hệ thống ngân hàng vẫn khá lớn và còn có xu hướng tăng lên, đặc biệt là trước tác động của đại dịch COVID-19. Điều này tiềm ẩn yếu tố rủi ro lợi nhuận ngân hàng đang bị “thổi phồng” trong khi con số nợ xấu không được phản ánh đầy đủ trên sổ sách.

Nợ xấu và lãi dự thu cùng tăng

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay. Bên cạnh con số lợi nhuận tăng mạnh, đáng lưu ý lãi và phí phải thu, nợ xấu của nhiều nhà băng tăng mạnh. Điển hình, tại ABBank trong 6 tháng đầu năm, lãi và phí dự thu là 979 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở những ngân hàng quy mô lớn hơn cũng ghi nhận lãi dự thu tăng mạnh. Cụ thể, tại MB, lãi và phí phải thu tính đến ngày 30/6/2021 tăng 17,7%, lên 4.554 tỷ đồng; các khoản phải thu tăng 16,6%, lên gần 21.000 tỷ đồng. Techcombank cũng ghi nhận các khoản phải thu tăng 42,4%, lên gần 23.500 tỷ đồng; lãi và phí phải thu 5.736 tỷ đồng, tăng 9,6%...

Lãi và phí dự thu còn được xem như một nguồn lãi ảo của các ngân hàng vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận khi trên thực tế chưa có tiền thu về. Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của các nhà băng lại càng cao, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt.

Đây cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu. Với khoản lãi dự thu lớn cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang kém dần, ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp hạng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.

Trên thực tế, lãi dự thu liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực. Một chuyên gia ngành ngân hàng khẳng định, trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.

Theo nguyên tắc thận trọng thì ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1. Bởi các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi. Do đó, ngân hàng phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó quá hạn 10 ngày, hay bắt đầu chuyển sang nợ nhóm 2.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành hiện nay, các chuyên gia lẫn phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều cảnh báo về việc nợ xấu có nguy cơ bùng phát trở lại và sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay.

Bức tranh nợ xấu của các ngân hàng theo báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021 vừa được công bố có thể coi là điểm tối trong kết quả kinh doanh kỳ này.

Cụ thể, nợ xấu tuyệt đối của ABBank tăng 17,6% trong nửa đầu năm, lên 1.556 tỷ đồng, chiếm 2,32% tổng dư nợ cho vay, tăng khá mạnh so với đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ABBank hồi đầu năm 2021 ở mức 2,09%. Trong đó, đáng chú ý là nợ nhóm 3 tăng tới 90% so với đầu năm, nợ nhóm 5 cũng tăng gần 40%.

Tại một số ngân hàng khác, nợ xấu cũng tăng đáng kể. Chẳng hạn, nợ xấu tính đến ngày 30/06/2021 của Vietinbank tăng mạnh 52% so với đầu năm, ghi nhận gần 14.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ngân hàng cũng tăng từ 0,94% lên 1,34%. Tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2021 của Vietcombank tăng 31% so với đầu năm, chiếm gần 6.865 tỷ đồng. Tất cả các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh, tăng cao nhất là nợ nghi ngờ (gấp 3,4 lần). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,62% lên 0,74%.

Luật hóa xử lý nợ xấu

Chuyên gia phân tích tài chính, ông Nguyễn Duy Phương, giám đốc quỹ đầu tư DG Investment nhận định khi ban hành Thông tư 03, NHNN hẳn cũng không lường trước được làn sóng COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp như hiện nay. NHNN tính toán doanh nghiệp có thể hồi phục trong 12 tháng, nhưng với diễn biến của đại dịch khó lường như hiện nay.

Thực tế, bên cạnh nợ xấu tăng thì việc xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp với diễn biến mới. Một trong những khuyến nghị được đưa ra là cần sớm luật hóa việc xử lý nợ xấu.

Trong bối cảnh nợ xấu dềnh lên, điều mà các ngân hàng thương mại mong đợi nhất là Chính phủ sớm trình Quốc hội phương án luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu. Nghị quyết này chỉ còn 1 năm nữa là hết hiệu lực và cũng chỉ áp dụng với các khoản nợ xấu cũ của giai đoạn trước.

NHNN lo ngại, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được. Đồng thời, TCTD thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Theo NHNN, việc ban hành Luật về xử lý nợ xấu sẽ giúp chính sách xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 được duy trì, giúp TCTD đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, thu hồi vốn nhanh, khơi thông nguồn vốn cho TCTD hoạt động, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của TCTD và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.

Việc tiếp tục thực hiện các cơ chế liên quan đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền sử dụng đất, chính sách không được kê biên với tài sản cầm cố, thế chấp… giúp TCTD và VAMC đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giảm chi phí, giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận vốn.

Về mặt xã hội, việc ban hành một bộ luật về xử lý nợ xấu không chỉ đơn thuần giúp các TCTD thu hồi nợ mà còn bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính quốc gia.