Xây dựng nông thôn mới:
Loay hoay với phương thức sản xuất mới
Đào tạo nghề, tổ chức và phát triển sản xuất, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo... là đích đến của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, nhiều địa phương vẫn còn loay hoay với bài toán sinh kế và thu nhập của người dân...
“Hiện nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp đang đối mặt với tình trạng hoang hóa, vì nông dân ít đầu tư trong sản xuất. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho biết.
Nguyên nhân là vì sản xuất nông nghiệp bấp bênh, thu nhập thấp, nên lao động dịch chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp và thương mại dịch vụ. Cùng với đó, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, nên nông dân không thể tổ chức sản xuất theo hướng quy mô. Đây chính là nguyên nhân khiến sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của tỉnh vừa thiếu, vừa kém chất lượng so với các địa phương lân cận.
Ngoài ra, tác động của đô thị hóa khiến diện tích đất nông nghiệp vốn đã manh mún, nhỏ lẻ lại càng phân tán, trong khi chính sách dồn điền đổi thửa và tích tụ đất đai lại không phù hợp với điều kiện thực tế. Đây chính là nguyên nhân khiến mô hình “Cánh đồng lớn” vẫn chưa đạt mục tiêu.
Đến nay, sau gần 10 năm ra đời, “Cánh đồng lớn” cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm, kỹ thuật đầu vào, còn đầu ra thì vẫn bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái.
Cùng với hạ tầng sản xuất, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác (THT) hoặc Hợp tác xã (HTX) cũng là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ “mới” của nông thôn, cũng như kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Tiêu chí số 13 yêu cầu, mỗi xã phải có ít nhất một THT hoặc HTX hoạt động ổn định, làm ăn có hiệu quả trong 3 năm liên tiếp; đồng thời, phải có 50% hộ nông dân tham gia góp vốn... Tuy nhiên, hầu hết các THT hoặc HTX chỉ cung ứng các dịch vụ thủy lợi, phân bón và giống cây trồng, vật nuôi... nên hiệu quả hoạt động không cao, lợi nhuận thấp.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh, việc thực hiện và đánh giá tiêu chí số 13 về kinh tế tập thể của hầu hết các địa phương còn bất cập. Thậm chí, một số xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2016, nhưng đến giờ, hoạt động của các THT hoặc HTX cũng chỉ dừng lại ở ngưỡng “vừa đạt”, chứ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí 13.
Nguyên nhân chính là do các THT hoặc HTX còn bị động, chưa phát huy vai trò của mình trong việc tham mưu và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Vì vậy, phần lớn THT hoặc HTX không thể đảm nhận việc triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ...
Hằng năm, thông qua Chương trình xây dựng NTM, ngân sách các cấp đã bố trí nguồn vốn (khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm) để các xã đăng ký đạt chuẩn NTM triển khai xây dựng các mô hình sản xuất, giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật và phương thức sản xuất mới, nhằm tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, chỉ có số ít THT hoặc HTX mạnh dạn tổ chức thực hiện, còn phần lớn thì lúng túng ngay từ khâu xây dựng phương án, dẫn đến việc lựa chọn đối tượng sản xuất không phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và vênh với nhu cầu thị trường.
“Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, cần thiết phải có chính sách đãi ngộ đặc thù, đủ hấp dẫn để thu hút đội ngũ nhân lực trẻ, có kiến thức và nhiệt huyết làm việc tại các THT hoặc HTX. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các THT hoặc HTX, nhằm thúc đẩy vai trò của kinh tế tập thể trong xây dựng NTM”, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Phạm Thị Bích Hoa kiến nghị.