Đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh

NGUYỄN NGỌC TÚC – Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Song hành cùng nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong năm 2015 đã được Bộ Tài chính ban hành, Tổng cục Hải quan đã triển khai tích cực nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, nổi bật nhất là cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh…

Tổng cục Hải quan đã triển khai tích cực nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu. Nguồn: internet
Tổng cục Hải quan đã triển khai tích cực nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu. Nguồn: internet

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, yêu cầu sản xuất và giao hàng đúng thời hạn, việc doanh nghiệp (DN) được đảm bảo về giải phóng hàng nhanh và đúng theo dự kiến càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thời gian cần thiết để thông quan/giải phóng hàng hoá được cộng đồng thương mại quốc tế sử dụng ngày càng nhiều như là một thước đo để đánh giá hiệu quả tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan nói riêng và các đơn vị, cơ quan Nhà nước có liên quan đến quá trình làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nói chung. Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, ngành Hải quan đã rất nỗ lực cải cách, hiện đại hoá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Không ngừng hoàn thiện thể chế

Để đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về hải quan, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan. Theo đó, nội dung quy định tại Luật, Nghị định và Thông tư được xây dựng theo định hướng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Thể hiện rõ nhất là Luật Hải quan số 54/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015.

Luật Hải quan có ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác cải cách, hiện đại hóa Hải quan Việt Nam. Các quy định mới của Luật Hải quan sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, minh bạch thủ tục hải quan, giảm bớt giấy tờ người khai hải quan phải nộp, giảm thời gian thông quan; giúp DN tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng DN; khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Hải quan hiện hành; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật hải quan và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật liên quan.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 24 Luật Hải quan năm 2014 và Điều 16 Thông tư 38/2015/TT - BTC thì chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan. Đối với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan tùy từng trường hợp cụ thể người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình từ một cho đến đầy đủ các chứng từ phù hợp với quy định của pháp luật liên quan. Điều này có sự khác biệt so với Luật Hải quan 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành trước đây.

Thời gian cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan cũng có sự thay đổi so với quy định trước đây. Điều 23 Luật Hải quan năm 2014 quy định thời gian làm thủ tục hải quan của cơ quan hải quan là “hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 02 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan;

Hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hoá chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hoá cho cơ quan hải quan”; trong khi trước đây thời gian làm thủ tục hải quan chậm nhất là 02 ngày làm việc đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng hình thức kiểm tra thực tế toàn bộ hàng hóa; Trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá, nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 02 ngày.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng thực hiện công tác tạo thuận lợi cho người khai hải quan trong việc quy định làm thủ tục hải quan vào ngày nghỉ, ngày lễ với thủ tục hết sức đơn giản được quy định cụ thể tại Điều 23 Luật Hải quan và Điều 4 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Theo đó, trường hợp người khai hải quan có nhu cầu làm thủ tục hải quan ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ để bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách, phương tiện vận tải thì thực hiện thông báo cho cơ quan hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc bằng văn bản (chấp nhận bản fax) trong giờ làm việc theo quy định để cơ quan hải quan bố trí cán bộ làm thủ tục hải quan phù hợp với đề nghị của người khai hải quan và điều kiện thực tế của địa bàn hoạt động hải quan.

Trên cơ sở nội dung Luật Hải quan năm 2014, các văn bản triển khai thi hành Luật đều được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với yêu cầu mục tiêu chung của cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng hệ thống pháp luật hải quan thống nhất, đồng bộ, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng thời đảm bảo vừa tạo thuận lợi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh và đầu tư và vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan chặt chẽ đúng pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của DN. Các văn bản được xây dựng phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các quy định không phù hợp với thực tiễn của hoạt động xuất nhập khẩu, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và quản lý hải quan đã được kịp thời sửa đổi, bổ sung. Tạo cơ sở pháp lý để triển khai chính thức thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong phạm vi toàn Ngành, qua đó, giúp rút ngắn thời gian thông quan, đảm bảo không gây xáo trộn cho hoạt động xuất nhập khẩu và công tác quản lý hải quan.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Nhằm không ngừng tạo thuận lợi cho DN và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong thời gian vừa qua, ngành Hải quan đã được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước về hải quan với những kết quả nổi bật:

Vận hành hiệu quả Hệ thống Thông quan tự động (VNACCS/VCIS): ngành Hải quan đã tích cực trong công tác cải cách với ứng dụng CNTT, áp dụng thủ tục hải quan điện tử thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan VNACCS/VCIS. Từ ngày 01/4/2015, Hệ thống VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ đi vào hoạt động đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức thực hiện thủ tục hải quan, từ thủ công truyền thống, bán điện tử sang thực hiện thông quan điện tử; cùng với việc triển khai, vận hành cơ chế một cửa quốc gia (từ tháng 11/2014) có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng DN, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đây là sự kiện chính trị đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa của ngành Hải quan. Chỉ trong một năm thực hiện từ ngày 01/4/2014 đến ngày 31/03/2015 đã có 100% Cục Hải quan và Chi cục Hải quan thực hiện hệ thống VNACCS/VCIS, với tổng số 54.588 DN tham gia; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 271,5 tỷ USD; Tổng số tờ khai là 6,74 triệu đã chứng minh tính hiệu quả và lợi ích của thủ tục hải quan điện tử.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc thực hiện giám sát hải quan điện tử thông qua áp dụng mã vạch trong công tác giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container, thời gian thực hiện giám sát tại cửa cảng chỉ còn vài giây, giảm ách tắc tại cửa cảng.

- Thực hiện tiếp nhận hồ sơ phương tiện vận tải đường biển điện tử (E-manifest), giúp giảm gánh nặng hồ sơ giấy đối với DN, giảm chi phí trong quá trình làm thủ tục hải quan, giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức hải quan và người dân, DN. Đến nay, Hệ thống E-manifest đã được triển khai trên toàn bộ các cảng biển lớn có lưu lượng hàng hóa đạt trên 95%.

- Thực hiện cấp giấy phép điện tử, C/O điện tử thông qua việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong khuôn khổ Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia và tham gia kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN.

- Ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực khác như quản lý rủi ro, kế toán thuế, kiểm tra sau thông quan… được triển khai thống nhất trong toàn Ngành, tạo một môi trường thực hiện nghiệp vụ hoàn toàn trên hệ thống CNTT.

- Ứng dụng CNTT để cung cấp dịch vụ công và phục vụ người dân, DN: Ứng dụng CNTT trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và DN thông qua Cổng thông tin điện tử hải quan, các trang thông tin điện tử của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công cho người dân và DN ở mức độ 4 với đầy đủ 100% thông tin về quy trình thủ tục hải quan, các thông báo hướng dẫn nghiệp vụ, các cơ sở dữ liệu tra cứu, trả lời các vướng mắc trực tuyến từ phía người dân và DN…

Bên cạnh đó, ngành Hải quan còn đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành, giảm giấy tờ hành chính thông qua việc việc triển khai trong toàn Ngành các hệ thống quản lý cán bộ, quản lý tài sản, Hệ thống Net. Office, góp phần nâng cao một bước hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Cải cách thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng

Để góp phần tăng cường cải cách thủ tục hành chính hiện đại hóa thu nộp ngân sách nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 19 NQ-CP của Chính phủ, giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, bảo đảm tính thống nhất của thông tin, chứng từ nộp tiền, ngày 28/8/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 126/2014/TT-BTC 2014 quy định một số thủ tục về kê khai, thu nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo đó, quy trình phối hợp thu ngân sách giữa cơ quan hải quan và ngân hàng thương mại đã được cải cách theo hướng ngay sau khi thu tiền hoặc trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm chuyển tiền vào tài khoản của KBNN, đồng thời chuyển thông tin thu sang cổng thông tin điện tử hải quan. Sau khi nhận được thông tin thu trên cổng thông tin điện tử hải quan, cơ quan Hải quan thực hiện thông quan hàng hóa cho người nộp thuế. Sau khi nhận được thông tin từ KBNN, cơ quan hải quan thanh khoản nợ thuế cho người nộp thuế.

Bên cạnh những ưu việt trên, để rộng việc phối hợp thu với ngân hàng thương mại, Thông tư 126/2014/TT-BTC cũng đã sửa đổi điều kiện các ngân hàng thương mại tham gia phối hợp thu ngân sách với cơ quan hải quan theo hướng đơn giản, cụ thể hơn so với Thông tư 85/2011/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 17/6/2011 về hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Kho bạc Nhà nước - Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại.

Các điều kiện đó là: Đã triển khai hệ thống Core Banking; Có phần mềm thu ngân sách nhà nước tích hợp với Core Banking, có khả năng kết nối và trao đổi thông tin với cổng thanh toán điện tử hải quan của cơ quan hải quan; Có đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước; Cam kết tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc, quy trình, trách nhiệm trong việc thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước; Ðảm bảo cở sở pháp lý hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.

Thực tế, qua hơn 6 tháng triển khai thực hiện, cho thấy các quy định về thu nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Thông tư số 126/2014/ TT-BTC đã phát huy tác dụng. Thời gian thực hiện thu nộp thuế của DN đã được thực hiện rất nhanh chóng, diễn ra chỉ 15 phút, giảm thiểu tình trạng cưỡng thuế không chính xác, giảm thời gian thông quan của DN. Đến nay, ngành Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác thu thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử với 19 ngân hàng với số thu chiếm hơn 59,7% số thu ngân sách của ngành Hải quan.

Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia

Thời gian qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia với kết quả như sau: Chính thức triển khai thủ tục hành chính liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh tại cảng biển quốc tế với Bộ Giao thông vận tải từ ngày 12/11/2014. Ngày 25/12/2014, cơ chế một cửa quốc gia đã chính thức triển khai một số thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu với Bộ Công Thương.

Từ ngày 6/5/2015, Cơ chế một cửa quốc gia chính thức được triển khai cho tất cả các DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, logistics tại tất cả các cảng biển quốc tế. Trong năm 2015, ngành Hải quan thực hiện kết nối với 6 bộ, ngành với 21 thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đây là động lực đẩy mạnh cải cách hành chính của các Bộ, ngành liên quan khác, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.


Cải cách quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu

So với quy định tại Thông tư số 128/2013/ TT-BTC ngày 10/9/2013 (áp dụng đối với loại hình nhập nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu) và Thông tư số 13/2014/TT-BTC ngày 24/1/2015 (áp dụng đối với loại hình gia công), tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Thông tư số 38/2015/ TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thủ tục hải quan đối với 02 loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu đã được đơn giản hóa tối đa để tạo thuận lợi cho DN. Cụ thể, tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC đã bãi bỏ một số thủ tục hải quan liên quan đến loại hình gia công, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu:

- Bỏ thủ tục thông báo, tiếp nhận hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công;

- Bỏ thủ tục thông báo, tiếp nhận, điều chỉnh định mức gia công, sản xuất xuất khẩu;

- Bỏ thủ tục thông báo mã nguyên liệu, vật tư, mã sản phẩm xuất khẩu; tổ chức, cá nhân không phải khai mã nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, mã sản phẩm xuất khẩu trên tờ khai hải quan;

- Bỏ thủ tục phê duyệt văn bản đề nghị phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sau khi hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực thực hiện; tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo cho cơ quan hải quan biết phương án xử lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các phương án xử lý.

- Bỏ thủ tục hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân trong việc chuyển nguyên liệu, vật tư từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác (áp dụng đối với loại hình gia công quy định tại điểm c.2 khoản 2 Điều 27 Thông tư số 13/2014/TT-BTC); tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chuyển giao nguyên liệu, vật tư giữa các hợp đồng gia công và báo cáo trong bảng báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguy ên liệu, vật tư tại mỗi kỳ báo cáo.

- Bỏ thủ tục quyết toán nguyên liệu, vật tư theo từng hợp đồng gia công. Tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư theo năm tài chính, theo đó, chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức, cá nhân nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư phát sinh trong năm tài chính cho cơ quan hải quan.

Thiết lập quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp

Nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Hải quan và DN, năm 2015, Tổng cục Hải quan xác định quan hệ đối tác Hải quan - DN là nhiệm vụ thường xuyên từ cấp Tổng cục tới các chi cục. Ngày 25/4/2015 Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký ban hành Quyết định số 1200/QĐ-TCHQ về Quy chế tham vấn Hải quan – DN và các bên liên quan. Thực hiện tham vấn DN, hải quan sẽ tiến hành ở nhiều nội dung được phân theo 3 cấp: cấp Tổng cục, cục, chi cục.

Đối với cấp Tổng cục, sẽ tham vấn những nội dung có tính vĩ mô, những vấn đề vượt thẩm quyền của các cục hải quan địa phương. Đối với cấp cục và chi cục tiến hành tham vấn những vấn đề cụ thể, những vấn đề xử lý thường xuyên hàng ngày. Mục tiêu đặt ra trong chương trình tham vấn Hải quan - DN là giúp cho DN hiểu, đồng thuận và đồng hành với cơ quan hải quan.

Thực tế cho thấy, việc thắt chặt hợp tác và đối tác Hải quan - DN đã đem lại nhiều lợi ích tích cực cho cả cơ quan Hải quan và DN. Trong đó, cơ quan Hải quan thu được lợi ích từ sự cải thiện về an ninh và hiệu quả thương mại, nâng cao chất lượng kiểm soát. Ngược lại, cộng đồng DN được hưởng lợi từ việc thông quan nhanh chóng, chi phí giao dịch thấp, thủ tục hải quan minh bạch và dễ hiểu.

Đẩy nhanh giải phóng hàng hoá

Tổng cục Hải quan cũng đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai cuộc đo thời gian giải phóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên ngành với sự tham gia chặt chẽ và chi tiết hơn của các bộ, ngành. Cuộc đo thời gian năm 2015 sẽ xác định cụ thể, phân tách rõ thời gian làm thủ tục của từng bộ, ngành trong tổng thời gian giải phóng hàng hóa.

Các kết quả chi tiết hơn về thời gian tác nghiệp của các đơn vị, các đánh giá tác động và những kiến nghị được đưa ra trên cơ sở phân tích kết quả giúp cho các bộ, ngành xây dựng chính sách, kế hoạch hành động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và hỗ trợ DN như: sửa đổi quy định pháp luật; đơn giản hóa và tự động hóa quy trình thủ tục; cải cách cơ cấu tổ chức, phân bổ lại nguồn nhân lực; triển khai các biện pháp đảm bảo liêm chính; minh bạch hóa các hoạt động; đồng thời, cũng sẽ giúp DN chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và bố trí nguồn lực; tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN.