Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế và 4 vấn đề trọng tâm

PV.

Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 với chủ đề “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế” tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%.
Tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%.

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 được tổ chức trong bối cảnh ngành Logistics Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ Việt Nam thông qua hàng loạt chính sách quan trọng và có tính quyết định.

Gần đây nhất, ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh nhu cầu xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế.

Trước đó, ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025. Quyết định này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh những nỗ lực của Chính phủ cũng như các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đang tập trung thúc đẩy logistics phát triển mạnh mẽ.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh vào 4 nhóm vấn đề cần tập trung để thúc đẩy logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, gồm: Kết nối kinh tế là một trọng tâm, trong đó ưu tiên hàng đầu là kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh; Hợp tác thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả và chất lượng kết nối cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; Đổi mới tư duy sáng tạo ứng dụng công nghệ trong kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh; Tăng cường phối hợp liên ngành và tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN.

Nêu ra các vấn đề lớn mà các cấp, các ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng lưu ý một số vấn đề được tập trung trao đổi tại Diễn đàn là:

Một là, thách thức về hạ tầng phục vụ ngành dịch vụ logistics của Việt Nam.

Hai là, mở rộng thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam.

Ba là, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam.

Bốn là, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh dịch vụ logitsics thuận lợi, thông thoáng.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018, Bộ Công Thương cũng công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2018. Báo cáo được đánh giá là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu, phản ánh được các thông tin và vấn đề thời sự đối với hoạt động logistics.

Bên lề Diễn đàn, 4 Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội đã được ký kết nhằm thúc đẩy, tạo đột phá phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới.

Cùng với việc cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thời gian vừa qua Bộ Công Thương cũng chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ cải thiện năng lực, qua đó góp phần cắt giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp sản xuất và thương mại.