Lợi ích bất ngờ nâng cao chất lượng sản phẩm khi áp dụng JIT

Hạ Băng

Áp dụng hệ thống sản xuất tức thời (JIT) mang lại cho nhà sản xuất ích lợi rất lớn như giảm tối đa hiện tượng tồn kho, ứ đọng vốn, tăng chất lượng sản phẩm...

Chiến lược JIT được áp dụng hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất có tính chất lặp đi lặp lại
Chiến lược JIT được áp dụng hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất có tính chất lặp đi lặp lại

JIT là hệ thống sản xuất, trong đó các luồng nguyên vật liệu, hàng hóa và sản phẩm truyền vận trong quá trình sản xuất và phân phối được lập kế hoạch chi tiết từng bước sao cho quy trình tiếp theo có thể thực hiện ngay khi quy trình hiện thời chấm dứt. Qua đó, không có hạng mục nào rơi vào tình trạng để không, chờ xử lý, không có nhân công hay thiết bị nào phải đợi để có đầu vào vận hành.

Trong sản xuất hay dịch vụ, mỗi công đoạn của quy trình sản xuất ra một số lượng đúng bằng số lượng mà công đoạn sản xuất tiếp theo cần tới. Các quy trình không tạo ra giá trị gia tăng phải bỏ. Điều này cũng đúng với giai đoạn cuối cùng của quy trình sản xuất, tức là hệ thống chỉ sản xuất ra cái mà khách hàng muốn.

Những lợi ích mà JIT mang lại cho nhà sản xuất là rất lớn như: Giảm tối đa hiện tượng tồn kho, ứ đọng vốn; giảm diện tích kho bãi; tăng chất lượng sản phẩm; giảm phế liệu, sản phẩm lỗi; tăng năng suất nhờ giảm thời gian chờ đợi; linh hoạt trong thay đổi qui trình sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm.

Bên cạnh đó, công nhân được tham gia sâu trong việc cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm lao động gián tiếp; giảm áp lực của khách hàng.

Theo các chuyên gia, chiến lược JIT cũng được áp dụng hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất có tính chất lặp đi lặp lại.

Mô hình JIT có những đặc trưng quan trọng như: Áp dụng những lô hàng nhỏ với quy mô sản xuất gần như nhau, tiếp nhận vật tư trong suốt quá trình sản xuất tốt hơn là sản xuất những lô hàng lớn rồi để tồn kho, ứ đọng vốn. Nó cũng giúp dễ kiểm tra chất lượng, giảm thiệt hại khi có sai sót.

Luồng "hàng hóa” lưu hành trong quá trình sản xuất và phân phối được lập chi tiết cho từng bước sao cho công đoạn tiếp theo thực hiện được ngay sau khi công đoạn trước hoàn thành. Không có nhân công hay thiết bị nào phải đợi sản phẩm đầu vào.

Mỗi công đoạn chỉ làm một số lượng sản phẩm/bán thành phẩm đúng bằng số lượng mà công đoạn sản xuất tiếp theo cần tới. Người công nhân ở quy trình tiếp theo chính là khách hàng của quy trình trước đó.

Họ có trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu bán sản phẩm được chuyển đến trước khi thực hiện công việc của mình. Sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ ra khỏi dây chuyền và báo cho toàn Hệ thống để điều chỉnh kế hoạch kịp thời.

Tuy nhiên, việc sử dụng mô hình JIT đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp; tăng cường phân công lao động xã hội thông qua hợp tác với các công ty liên kết.

Muốn JIT thành công, doanh nghiệp cần kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp như: Áp dụng dây chuyền luồng một sản phẩm (sản phẩm được chuyển theo quy trình sản xuất chứ không theo bộ phận chuyên môn nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển); khả năng tự kiểm lỗi (công đoạn sau kiểm tra, nghiệm thu công đoạn trước); bình chuẩn hóa (phân bổ công việc đều mỗi ngày, không có ngày quá bận, ngày ít việc).