Lợi ích đa chiều từ mô hình kinh doanh cùng người nghèo
(Tài chính) Kinh doanh cùng người nghèo là một trong những mô hình kinh doanh hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững, gắn kết được mối quan hệ hai chiều giữa hoạt động kinh doanh và con người, coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của doanh nghiệp.
Lợi ích đa chiều
Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) cho rằng mô hình kinh doanh cùng người nghèo là mô hình then chốt trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, là cách thức hiệu quả để hòa nhập một bộ phận có thu nhập thấp vào hoạt động của doanh nghiệp, đem lại giá trị chung cho cả hai bên.
Nói cách khác, kinh doanh cùng người nghèo tạo ra tăng trưởng, năng suất và các cơ hội mới cho doanh nghiệp, đồng thời cũng góp phần tạo ra lợi ích và cuộc sống bền vững cho những người thu nhập thấp. Mô hình kinh doanh này hoàn toàn không phải là trách nhiệm xã hội hay các hoạt động từ thiện của doanh nghiệp bởi lẽ kinh doanh cùng người nghèo được đánh giá là sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp với những lợi ích đa chiều bền vững, cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường chuỗi giá trị và cung ứng: các doanh nghiệp có thể mở rộng và đa dạng đại lý cung ứng nhằm giảm nguy cơ và tăng sự linh hoạt.
Thứ hai, tạo ra và tăng lợi nhuận: có thể tăng tỷ lệ lợi nhuận hơn so với việc mạo hiểm trong các thị trường phát triển.
Thứ ba, tạo ra sự tăng trưởng cho người nghèo: nếu khu vực tư nhân là yếu tố then chốt cho sự tăng trưởng trong các thị trường mới thì sẽ có cơ hội để làm cho sự tăng trưởng này bền vững cho cả người nghèo.
Thứ tư, các cơ hội đối tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước: kinh doanh cùng người nghèo đem tới các cơ hội cho nhiều bên cùng tham gia và tạo ra lợi ích cho tất cả các đối tác tham gia.
Theo ông Javier Ayala, Giám đốc Chương trình Kinh doanh cùng người nghèo (SNV Việt Nam) cho biết trên thế giới hiện có 500.000 hộ gia đình có thu nhập thấp được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ mô hình kinh doanh cùng người nghèo. Họ được tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập và có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi. Song song với đó, những doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này cũng gia tăng được giá trị, mở rộng thị trường, làm nền tảng để phát triển bền vững. Đó là tác động kép mà mô hình kinh doanh này mang lại cho cộng đồng.
Minh chứng thực tiễn
Trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp đã thực hiện kinh doanh theo mô hình kinh doanh cùng người nghèo và đạt được những kết quả tích cực như: Nestle, Pronaca, CocaCola, IBM, Unilever, Nike… Ở Việt Nam cũng không ít doanh nghiệp thành công với mô hình này.
Trường hợp của Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường ở Hà Giang là một minh chứng. Với mặt hàng kinh doanh là chè, công ty đã áp dụng mô hình kinh doanh cùng người nghèo bằng cách tăng cường chuỗi cung ứng nguyên liệu chè của công ty; hỗ trợ kỹ thuật, vốn, vận chuyển, hợp đồng, đào tạo kỹ năng cho nông dân nhằm khuyến khích người nghèo xây dựng mối quan hệ lâu dài với công ty. Nhờ đó đã tạo ra lợi ích rất lớn cho cả công ty và bộ phận người nghèo. Công ty tăng 50% lợi nhuận so với trước đây, đồng thời có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao và nâng cao khả năng thâm nhập thị trường của sản phẩm cũng như mối quan hệ với chính quyền địa phương. Người nông dân nghèo nhờ đó cũng tăng 60% thu nhập so với trước đây, giúp họ có được cuộc sống ổn định hơn.
Hay như Công ty TNHH Holcim Việt Nam đã xây dựng chương trình nhà ở giá thấp để cung cấp các giải pháp chiến lược cho bộ phận người nghèo. Đồng thời, Công ty cũng hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng các dịch vụ tài chính đặc biệt, đào tạo các hộ nghèo để tham gia vào việc xây dựng. Nhờ đó mà 500 hộ dân tiếp cận được nhà ở giá thành thấp và kỹ năng kỹ năng xây dựng được nâng cao. Về phía công ty, mô hình kinh doanh này không những đem lại lợi nhuận mà còn tăng uy tín trong xã hội, cải thiện quan hệ với cộng đồng.
Có thể thấy, phương pháp kinh doanh cùng người nghèo đã được minh chứng rằng hiệu quả và nhu cầu thị trường về hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các sáng kiến kinh doanh cùng người nghèo ngày càng cao. Chính từ nhu cầu đó đã đưa đến việc thành lập Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân tại Việt Nam phát triển các mô hình kinh doanh cùng người nghèo đổi mới nhằm tạo ra các lợi ích thương mại cho công ty và tác động xã hội cho bộ phận dân số có thu nhập thấp.
Tin tưởng rằng, với những điều kiện thuận lợi đó, mô hình kinh doanh cùng người nghèo sẽ phổ biến rộng rãi trong tương lai, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững.