Lợi nhuận khủng từ cho vay tiêu dùng
Các ngân hàng đang đồng loạt công bố lợi nhuận kinh doanh quý III với những con số lợi nhuận khủng, trong đó có sự góp phần không nhỏ từ mảng cho vay tiêu dùng.
Thị trường tín dụng tiêu dùng dần “nóng” lên khi các ngân hàng mạnh tay cho vay với lãi suất ưu đãi để phục vụ những mục tiêu lớn như mua nhà đất, mua nhà dự án, hay mua ô tô…
“Gà đẻ trứng vàng”
Theo báo cáo tại “Hội nghị Quốc tế về Tài chính Tiêu dùng” vừa được tổ chức, tổng quy mô tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện đạt mức 960.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Tỷ trọng cho vay tiêu dùng không cao so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng nhưng đã đóng góp đáng kể vào hiệu quả kinh doanh của nhiều ngân hàng thương mại.
Tiên phong trong phát triển mạnh mảng tài chính tiêu dùng, lợi nhuận trước thuế của VPBank trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 2.340 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp cho thành tích này có hoạt động tích cực của dịch vụ tín dụng tiêu dùng (FE Credit). Lãi từ các khoản cho vay của FE Credit bằng với mức lãi từ cho vay của VPBank (ngân hàng mẹ) nhưng hiệu quả cao gấp ba lần.
Cụ thể, cứ 100 đồng cho vay, FE Credit thu lãi 18 đồng. Sau khi trả lãi các khoản tiền gửi, thu nhập lãi thuần của FE Credit trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 5.400 tỷ đồng, nhiều hơn 30% so với lãi thuần mà ngân hàng mẹ thu được.
Theo các chuyên gia ngân hàng, thị trường tín dụng tiêu dùng đang “nóng” dần lên vào thời điểm về cuối năm. Sự béo bở của “miếng bánh” cho vay tiêu dùng chính là lý do khiến các ngân hàng mạnh tay “thiết kế” nhiều gói vay hấp dẫn khách hàng bằng lãi suất và những chương trình khuyến mãi như mua nhà đất, mua nhà dự án, hay mua ô tô…
Ghi nhận trên các gói sản phẩm của ngân hàng, điểm chung là khách hàng sẽ được ưu đãi lãi suất trong thời gian đầu, dao động 6,8 – 9%, tùy thời gian vay (trong 6 tháng, 12 tháng, trên 24 tháng…).
Lãi suất kỳ tiếp theo được một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng với biên độ lãi suất 2,8 – 4,5%/năm. Ngoài ra, các ngân hàng ồ ạt thâu tóm các công ty tài chính, tạo nên cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.
Cẩn trọng nợ xấu tăng cao
Dù được cảnh báo về nguy cơ nợ xấu tăng cao trong cho vay tiêu dùng song nhiều ngân hàng có thế mạnh cho vay tiêu dùng cho biết, nếu cho 10 khách hàng vay tiêu dùng, 3 người không trả được nợ ngân hàng vẫn có lãi, 5 người không trả được nợ ngân hàng hòa vốn, vì lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn cho vay sản xuất, kinh doanh rất nhiều.
Chưa kể, cho vay sản xuất kinh doanh đòi hỏi các thủ tục rất phức tạp, trong khi cho vay tiêu dùng ngân hàng có thể giải ngân nhanh gọn. Đây cũng chính là lý do tại sao các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để kích tăng trưởng tín dụng.
Đơn cử, mảng cho vay tiêu dùng đẩy nợ xấu của VPBank lên mức 3,1%, trong khi riêng ngân hàng là 2,6%, theo xu hướng tăng nợ xấu của toàn ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, VPBank cũng mạnh tay xóa nợ đối với các khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi của FE Credit. 9 tháng đầu năm nay, VPBank sử dụng vốn dự phòng để xử lý 4.750 tỷ đồng nợ xấu, trong đó ở riêng ngân hàng chiếm 22%, số còn lại được xử lý tại công ty tài chính.
Sau thời gian đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, VPBank luôn đối mặt với tình trạng nợ quá hạn rất cao của FE Credit. Đến cuối tháng 9/20107, trong khi nợ quá hạn của riêng ngân hàng chỉ hơn 1.070 tỷ đồng thì nợ quá hạn của mảng tài chính tiêu dùng là 4.750 tỷ đồng. Con số này đã liên tục tăng trong hai năm qua.
Nhằm hạn chế nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành lập Trung tâm CIC làm cầu nối giúp minh bạch thông tin cá nhân, làm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng cho người dân, đồng thời giúp các tổ chức tín dụng tìm được khách hàng tiềm năng, giảm chi phí thẩm định để có những chính sách phù hợp.
Ông Cao Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc CIC, cho biết, CIC hiện đang thực hiện việc chấm điểm tín dụng cho mọi cá nhân từ 18 tuổi trở lên có và chưa có quan hệ tín dụng theo thông lệ quốc tế.
Người nào có điểm tín dụng cao (thông tin tốt) sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ ngân hàng hay các công ty tài chính. Trường hợp điểm tín dụng thấp, khả năng tiếp cận vốn sẽ hạn chế vì đơn vị cho vay sẽ cẩn trọng và cân nhắc hơn.
Ngoài ra, đối với khách hàng chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vay, mặc dù số tiền rất nhỏ vẫn sẽ bị lưu thông tin xấu trên CIC. Thông tin bị lưu trong suốt 5 năm.
Trong 5 năm đó, khách hàng rất khó đi vay vì lịch sử tín dụng của từng khách hàng hầu như ngân hàng, công ty tài chính nào cũng đều có thể xem được qua CIC.
Theo kế hoạch của NHNN, đến năm 2020, CIC tích cực mở rộng thu thập thông tin ngoài ngành (như cơ quan công an, các đơn vị dịch vụ công ích điện, viễn thông…). Các trường hợp chưa tiếp cận tín dụng vẫn có hồ sơ trên CIC để các ngân hàng, công ty tài chính có thể tham khảo.