Lợi tức từ việc cho thuê bất động sản hiện đang cao hơn lãi suất Ngân hàng?
(Taichinh) - Quý 1/2015 có thể nói là giai đoạn phát triển “cực thịnh” của thị trường BĐS Việt Nam sau một thời gian dài trầm lắng. Cùng với đó, mức lợi tức nhà cho thuê tại Việt Nam hiện nay đang nằm trong khoảng 5%, đây là mức khá hấp dẫn so với tiền gửi. Do vậy, người dân và nhà đầu tư vẫn chọn Bất động sản là một trong những kênh đầu tư tiềm năng nhất hiện nay.
Từ đầu năm 2015 đến nay đã có trên dưới 8 nghìn giao dịch nhà ở thành công ở nhiều phân khúc khác nhau. Trong đó, xu hướng mua nhà ở cho thuê đang ngày càng phát triển. Tồn kho BĐS đã được giải quyết tốt, số còn lại thuộc về những vị trí không thể thương mại được.
Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp cho biết,“Có thể nói thị trường BĐS Việt Nam đang bước vào thời kỳ phục hồi tốt. Đó là nhờ vào các yếu tố như: nền kinh tế vĩ mô phục hồi, hệ thống hạ tầng giao thông đang được đầu tư phát triển mạnh. Đặc biệt, nhu cầu mua nhà ở thật của người dân trong nước đang tăng mạnh”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo đó, trong giai đoạn tới, BĐS sẽ là kênh đầu tư khá hấp dẫn, thu hút một lượng lớn ngoại tệ. Lý giải về xu hướng này, ông cac chuyên gia trên thị trường cho rằng hiện tại về đồng USD lên giá thất thường, tác động khá mạnh đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Thứ hai, giá vàng cũng khá bấp bênh nên tạo tâm lý không ổn định của giới đầu tư. Tiếp theo, tiền gửi ngân hàng hiện lãi suất huy động cũng khá thấp, không tạo được sự hứng khởi cho người dân gửi tiền. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian quan nhận được nhiều nhân tố hỗ trợ, nhưng nhìn chung vẫn còn bất định khá cao.
Ông Thành cho biết: “Lợi tức nhà cho thuê tại Việt Nam hiện nay nằm trong khoảng 5%, đây là mức khá hấp dẫn so với tiền gửi. Do vậy, người dân và nhà đầu tư vẫn chọn kênh đầu tư này là chính”.
Còn theo nhận định từ ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CBRE Việt Nam, nhìn chung 4 tháng đầu năm 2015 ghi nhận lượng căn hộ chào bán tăng gấp ba lần tại TP.HCM so với cùng kỳ năm trước, khoảng hơn 5.500 căn. Đây là một tín hiệu khá tích cực cho thấy sự phục hồi của thị trường do mùa Tết thường là thời điểm thị trường trầm lắng.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT công ty CP Địa ốc Nam Long thì cho rằng: “Bất chấp sự đóng băng của ngành BĐS, số lượng căn hộ tiêu thụ năm sau tăng gấp đôi năm trước trong 3 năm trở lại đây càng chứng minh rằng nhà ở “vừa túi tiền” thực sự là sản phẩm sẽ “xuyên thủng” thị trường”.
Theo nhận định từ ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch Quỹ đầu tư Jen Capital, thị trường BĐS đang có sự phục hồi khá tốt trong các quý vừa qua. Hàng loạt công ty BĐS rầm rộ bung hàng và tỷ lệ hấp thụ trên thị trường thật đánh khích lệ. Trong quý 3-2015 có thể nói là giai đoạn phát triển “cực thịnh” của thị trường BĐS Việt Nam, thời điểm khi mà các luật và quy định liên quan đến thị trường có hiệu lực thi hành.
“Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức đề phòng tình trạng bong bong có khả năng quay trở lại vì nhiều lý do nào đó trên thị trường. Nếu tình trạng đầu cơ có thật và nhà đầu tư tiếp tục đẩy giá bán nhà thì những người có nhu cầu mua nhà thật sự sẽ quay lưng, khi đó thị trường sẽ lắng đọng ngay. Chúng ta hãy cùng đợi cho đến cuối năm nay, khi đó mới biết được thị trường có phát triển bền vững hay không hay chỉ là sân chơi của giới đầu cơ”, ông Trân nói.
Theo ông Trần Ngọc Quang,Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng, bước vào năm 2015, thị trường BĐS có sự chuyển biến rõ nét, khác hẳn năm 2014. Điều này được cả thị trường xác nhận.Nó được thể hiện ở việc giao dịch BĐS tăng, có những nơi tăng đột biến. Giá BĐS cũng tăng, nhiều DA tăng mạnh mẽ. Về tinh thần của các NĐT thì thực sự hứng khởi. Việc chuẩn bị đầu tư DA được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Khách hàng cũng thực sự quan tâm. Còn sự quan tâm của NĐT nước ngoài thể hiện ở việc vốn đầu tư FDI đổ vào BĐS trong quý 1 đứng thứ 2. NHNN cũng thúc đẩy các NHTM tham gia gói 30.000 tỷ.
Tóm lại, từ Chính phủ, nhà đầu tư đến khách hàng đều hứng khởi tham gia thị trường. Đó là nền tảng để thị trường phát triển được.Nhưng vẫn có vấn đề, đó là BĐS ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chuyển biến mạnh nhưng ở nhiều tỉnh vẫn còn khó khăn. Cho nên khó có thể nói BĐS Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Ví dụ các DA ở Cần Thơ hầu hết đang nằm yên.
Về những vấn đề sâu hơn như nợ xấu, hàng tồn kho và các thủ tục đầu tư BĐS, những tồn tại trong mối quan hệ giữá cơ quan Nhà nước với NĐT vẫn còn đó, “vẫn đang dưới gầm bàn” chứ không phải được cất đi. Nói cách khác, nguy cơ vẫn còn.Dẫu sao trong những tháng đầu năm, BĐS Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, dù chưa thể nói là đã qua khó khăn. Thị trường vẫn cần sự nỗ lực của cơ quan nhà nước, Chủ đầu tư, Nhà phân phối và đặc biệt là sự thông thái của khách hàng, thị trường mới phát triển bền vững được.