Long An: Phát triển mô hình “Cánh đồng lớn”

PV.

(Taichinh) - Long An là một tỉnh nông nghiệp sinh thái đa dạng với nhiều loại cây trồng phong phú, trong đó lúa là cây chủ lực. Để tạo ra sản lượng lúa hàng hóa lớn, có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và các đối tác tham gia thì xây dựng cánh đồng lớn được xem là lời giải tối ưu nhất trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có thể nói, qua 4 năm thực hiện, phong trào xây dựng cánh đồng lớn của tỉnh đã có bước phát triển nhất định. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã được bà con nông dân Long An bỏ chữ “mẫu” và chỉ còn “cánh đồng lớn” vì tỉnh Long An đã và đang nhân rộng, phát triển qua từng năm. Số lượt cánh đồng lớn tăng từ 11 cách đồng năm 2011 lên 40 cánh đồng năm 2014, cùng với đó là diện tích cũng tăng từ 2.477 ha năm 2011 lên 17.479 ha năm 2014; số hộ dân tham gia từ 1.115 hộ năm 2011 tăng lên 5.918 hộ năm 2014.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến ngày đầu tháng 4/2015, trên 6.610 ha diện tích lúa trong cánh đồng lớn của tỉnh đã thu hoạch; năng suất (khô) ước đạt 68 tạ/ha, sản lượng 44.962 tấn. Tỷ lệ thu mua lúa của doanh nghiệp đối với nông dân trong cánh đồng lớn đạt 97% sản lượng thu hoạch. Doanh nghiệp tổ chức thu mua với giá cao hơn thị trường 100 – 200 đồng/kg, nông dân trong cánh đồng lớn có lợi nhuận ước từ 15 – 20 triệu đồng/ha, cao hơn từ 2 – 3 triệu đồng/ha so với bên ngoài. Vụ đông xuân 2014-2015, toàn tỉnh Long An có 18 doanh nghiệp ký kết với nông dân thực hiện cánh đồng lớn, tổng diện tích 12.635 ha. Trong đó, 8 doanh nghiệp tham gia theo hình thức cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra ở 22 cánh đồng, diện gieo sạ 9.786 ha và 3.663 hộ tham gia; 10 doanh nghiệp tham gia theo hình thức đăng ký đặt hàng, bao tiêu 2.849 ha lúa cuối vụ.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp có uy tín để tiếp tục ổn định sản xuất và tiêu thụ lúa Nàng thơm Chợ Đào tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước với diện tích 119 ha. Doanh nghiệp tổ chức thu mua với giá 10.000 đồng/kg, cao hơn thị trường 500-600 đồng/kg.

Qua thực tiễn và để phát huy nhân rộng mô hình sản xuất lớn có hiệu quả, nhất là mô hình liên kết 4 nhà, tỉnh Long An đã giải quyết tốt từ những giải pháp: Củng cố và đẩy mạnh việc thành lập HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất nông nghiệp… đây là những mô hình tổ chức sản xuất và sinh hoạt tiên tiến ở nông thôn hiến nay; Tăng cường hoạt động khuyến nông, bảo vệ thực vật, công tác nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ thâm canh, tăng năng suất, chất lượng; Tiến tới hoàn thiện qui trình sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng qui trình VietGAP trên cây lúa; Tiếp tục cung ứng giống lúa có chất lượng cao, hình thành trại giống của Trung tâm khuyến nông tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống lúa công nghệ cao tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng; Xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững bằng các thương hiệu uy tín…

Cũng từ mô hình “Cánh đồng lớn” này tới đây Long An sẽ hình thành “Cánh đồng lớn” trên cây mía, thanh long, chanh dây không hạt… và chắc chắn còn ở nhiều sản phẩm nông nghiệp khác. Chúng ta tin tưởng rằng năm 2014 và những năm tiếp theo mô hình “Cánh đồng lớn” của tỉnh Long An ngày càng phát triển tốt và đang đi đúng hướng, góp phần vào sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông thôn Long An ngày càng khởi sắc./.