Phòng ngừa rủi ro trong đăng ký biện pháp bảo đảm tại tổ chức tín dụng


Ngày 9/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, giúp các tổ chức tín dụng triển khai đúng, hiệu quả Nghị định trên.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, phát biểu tại Hội nghị.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, phát biểu tại Hội nghị.

Việc triển khai hiệu quả Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2023) thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP sẽ giúp các tổ chức tín dụng phòng tránh những rủi ro pháp lý liên quan đến việc đăng ký biện pháp bảo đảm, tạo thuận lợi trong việc nhận thế chấp và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA cho biết, hoạt động cấp tín dụng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, các biện pháp bảo đảm được áp dụng tương đối phổ biến để phòng ngừa và dự phòng rủi ro.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, biện pháp bảo đảm không phải điều kiện bắt buộc khi cấp tín dụng, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để tổ chức tín dụng đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Vì vậy, các tổ chức tín dụng thường yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm cho số tiền vay.

Trong những năm qua, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký giao dịch bảo đảm được không ngừng hoàn thiện và đã hướng dẫn theo thông lệ quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội ở nước ta, cũng như trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Đặc biệt, sự ra đời của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, Nghị định số  102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, với rất nhiều nội dung tiến bộ,… đã tác động tích cực đến hoạt động cấp tín dụng, nhận bảo đảm, góp phần bảo vệ quyền lợi của các tổ chức tín dụng và là cơ sở, công cụ hiệu quả để các tổ chức tín dụng thu hồi nợ vay thông qua việc thực hiện quyền xử lý đối với tài sản bảo đảm của khách hàng vay/bên bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm tại Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền như Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản; Văn phòng đăng ký đất đai… vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định, dẫn đến khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thi hành.

“Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nêu trên, đồng thời để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, bao quát được sự thay đổi trong quy định của pháp luật liên quan, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP là hết sức cần thiết. Sau thời gian nghiên cứu và lấy ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, đến ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2023) thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP”, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định nhiều nội dung mới tác động tích cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm.

Theo đó, Nghị định đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan đăng ký trong việc không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này; tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai số hóa hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động nhận bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng; quy định rõ việc đăng ký đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng…

Cũng theo nhận xét của bà Phạm Thị Thịnh - Trưởng Phòng Đăng ký đất đai (Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai), việc ban hành Nghị định số  99/2022/NĐ-CP nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký, hệ thống đăng ký.

Bên cạnh đó, cũng khắc phục được những vướng mắc, bất cập, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động đăng ký.

Theo Hồng Anh/nhandan.vn