Luật Đầu tư công sửa đổi: Phân cấp mạnh để rút ngắn thời gian trình hồ sơ

Theo Nguyễn Việt/http://enternews.vn

Dự kiến tại kỳ họp thứ 7 tới đây, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét việc sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai.

Nhờ có Luật Đầu tư công đã khắc phục được nhiều điểm hạn chế của công tác đầu tư công giai đoạn trước đây. Nguồn: Internet
Nhờ có Luật Đầu tư công đã khắc phục được nhiều điểm hạn chế của công tác đầu tư công giai đoạn trước đây. Nguồn: Internet

Bên hành lang tọa đàm đối thoại chính sách: “Sửa đổi Luật Đầu tư công - Bàn luận từ những góc nhìn đa chiều” diễn ra ngày 8/5, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp  Kinh tế Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chia sẻ với báo Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này.

PV.Trong dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công lần này, hướng phân cấp của luật sẽ như thế nào để có thể tăng thêm quyền cho cơ sở, từ đây làm cho việc giải ngân vốn đầu tư công được nhanh hơn, thưa ông?

Ông Trần Quốc Phương: Qua công tác đánh giá triển khai Luật Đầu tư công để sửa đổi bổ sung luật lần này cũng đã đánh giá về hiệu quả đầu tư công. Nhờ có Luật Đầu tư công đã khắc phục được nhiều điểm hạn chế của công tác đầu tư công giai đoạn trước đây. Ví dụ, đầu tư dàn trải, phê duyệt dự án tràn lan, phát sinh nợ đọng cơ bản, ứng vốn không có nguồn chi trả…Đây là những điểm hạn chế mà nhờ có Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã khắc phục được phần nào.

Tuy nhiên, qua đánh giá những năm gần đây tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm, vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng từ 80 - 90%. Đây cũng là điểm mà Chính phủ mong muốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, không để xảy ra tình trạng giải ngân đầu năm thì thấp để dồn vào cuối năm. Đây là quan điểm và chủ trương được tiếp thu để tiến hành sửa đổi Luật Đầu tư công. Đánh giá về những vướng mắc hạn chế thời gian qua, Luật Đầu tư công lần này sẽ sửa đổi những quy định liên quan đến phân cấp, quyền hạn đối với các quy trình thủ tục đối với các dự án đầu tư công và kế hoạch đầu tư công.

Ông có thể chia sẻ thêm về những mức phân cấp rất mạnh mẽ trong dự thảo luật lần này?

Hiện nay, Luật Đầu tư công đã đạt mức độ phân cấp khá triệt để. Đơn cử, về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đã được phân cấp cho các bộ ngành, địa phương, chủ động thực hiện thẩm định trên cơ sở nguồn vốn, khả năng cân đối vốn được xác định trong cả 5 năm. Đây là một bước nhằm đẩy nhanh tiến độ mà các bộ, ngành, địa phương không phải trình hồ sơ dự án lên Trung ương, giảm thời gian lưu chuyển hồ sơ và  phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Phân cấp khác đến thẩm quyền chủ trương quyết định chủ trương đầu tư, hiện nay trong dự thảo Luật Đầu tư công đã phân cấp mạnh mẽ, như HĐND cấp tỉnh được quyền phê duyệt chủ trương dự án nhóm A của tỉnh. UBND các cấp được quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C thuộc nhóm mình quản lý. Đây là bước phân cấp mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ giảm rất nhiều thời gian phải trình hồ sơ dự án lên cấp trên.

Mức độ phân cấp nữa trong dự thảo luật lần này liên quan đến các nguồn vốn, ví dụ nguồn vốn của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã được phân cấp mạnh mẽ cho các đơn vị tự quyết định, chỉ phải báo cáo với cơ quan chủ quản cấp trên chứ không phải báo cáo các cơ quan Trung ương.

Với phân cấp trong điều hành kế hoạch, hiện nay điều chỉnh kế hoạch đều phải trình lên Trung ương, nếu điều chỉnh trong nội bộ ngành thì phải báo cáo lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều chỉnh chéo ngành thì phải báo cáo lên Thủ tướng. Thời gian tới đây, trong dự thảo luật, đối với kế hoạch của một cơ quan nào đó, thì người đứng đầu của cơ quan đó chịu trách nhiệm việc điều chỉnh và phải báo cáo lại với các cơ quan tổng hợp như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để biết, theo dõi và báo cáo Chính phủ khi cần thiết.

Vậy, căn cứ nào để Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Chính phủ trình với Quốc hội sẽ nâng hạn mức đầu tư dự án trọng điểm quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng, thưa ông?

Việc này qua công tác rà soát cũng như đề xuất của các bộ ngành, địa phương, mức 10.000 tỷ đồng đối với một công trình quan trọng quốc gia đã được đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội từ năm 1997. Đến nay, đã hơn 20 năm, kể cả phần trượt giá hay quy mô nền kinh tế tăng thêm thì việc điều chỉnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và rà soát, ban soạn thảo cũng đã nghiên cứu Nghị quyết 49 năm 2010 của Quốc hội, thời điểm đó cũng đã xác định quy mô của dự án quan trọng quốc gia là 35.000 tỷ đồng, và cũng đề xuất tiếp thu trước đây đã quy định là mức 35.000 tỷ đồng được áp dụng cho giai đoạn này.

Tuy nhiên, qua công tác rà soát theo 2 khóa cạnh, một là trượt giá tính từ thời điểm Luật Đầu tư công phê duyệt, hai là khía cạnh tăng trưởng kinh tế, quy mô nền kinh tế. Qua tính toán hai chỉ tiêu này, quy mô có thể tăng lên khoảng 2 lần. Để cho tính bền vững và lâu dài của Luật Đầu tư công, Chính phủ cũng đã kiến nghị ở mức 20.000 tỷ đồng đối với dự án quan trọng quốc gia. Hiện nay, trong báo cáo đề xuất sẽ phải trình các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Với việc sửa đổi lần này, thẩm quyền HĐND cấp tỉnh sẽ được quy định như thế nào, thưa ông?

 Hiện nay, trong báo cáo đề xuất của Chính phủ vẫn đề nghị trong dự thảo Luật Đầu tư công quy định chức năng nhiệm vụ của thường trực HĐND để giải quyết những vấn đề của địa phương, thuộc thẩm quyền của HĐND giữa 2 kỳ họp nhằm tránh việc phải chờ đợi, vì HĐND họp 2 kỳ/năm. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, sắp tới sửa đổi luật tổ chức chính quyền địa phương quy định HĐND có thể họp nhiều kỳ trong năm ngoài 2 kỳ chính thức. Việc quy định chức năng thường trực HĐND là không cần thiết. Nhưng về phía Chính phủ, tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất của các địa phương mong muốn nên ủy quyền cho thường trực HĐND quyết định các công việc thuộc thẩm quyền thuộc hội đồng giữa 2 kỳ họp. Nội dung này vẫn đang được thảo luận và sẽ được trình cấp có thẩm quyền xem xét theo hướng nào đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất trong các quy trình thủ tục đối với đầu tư công.

Thưa ông, tính công khai, minh bạch sử dụng nguồn vốn đầu tư công đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vậy trong luật sửa đổi lần này có những điều chỉnh hay sửa đổi gì để tăng tính công khai, minh bạch hơn trong đầu tư công?

Công khai, minh bạch đầu tư công trong luật hiện hành cũng đã quy định, tiếp nối quy định đó Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ tiếp thu, sửa đổi thêm. Ngoài việc phải công bố, báo cáo, chịu sự giám sát của cộng đồng, các tổ chức xã hội...có một bước rất quan trọng trong luật sửa đổi lần này là áp dụng công nghệ thông tin trong đầu tư công. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã áp dụng, nhưng phải thừa nhận mức độ vẫn còn hạn chế. Bởi việc xây dựng hệ thống hiện nay vẫn chưa chắc chắn về công tác bảo mật trước khi đưa ra công chúng. Như  tôi được biết, website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn thường xuyên bị tấn công, mặc dù hệ thống đã tăng cường để bảo vệ. Do đó, chúng tôi sẽ phải tính toán kỹ lưỡng để triển khai được một hệ thống mà bất kỳ ai cũng có thể truy cập được.

Xin cảm ơn ông!