Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung: Minh bạch, hiệu quả hoạt động tài chính, kinh tế

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính đang tiến hành đánh giá về thực tiễn thi hành Luật Kế toán 2003, làm cơ sở xây dựng dự thảo Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung 2013, trình Chính phủ đưa ra Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2014/2015. Bước đầu việc xây dựng Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung đã nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Đổi mới theo yêu cầu hội nhập

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Bùi Văn Mai, cùng với các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn Luật Kế toán 2003 đã tạo lập hành lang pháp lý khá đầy đủ, hoàn chỉnh phù hợp với giai đoạn đổi mới, tiếp cận kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đã giúp các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp tổ chức công tác kế toán, lập báo cáo tài chính… đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, của doanh nghiệp, đơn vị và xã hội 10 năm qua.

Luật Kế toán đã tạo lập được nền tảng pháp lý cho hoạt động đào tạo lực lượng cán bộ kế toán trình độ đại học và trên đại học, làm cơ sở cho các đơn vị, tổ chức thực hiện công tác kế toán, lập và công khai báo cáo tài chính cho cả khu vực kinh doanh và khu vực hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Mai, các nguyên tắc và nội dung quy định trong Luật Kế toán 2003 cơ bản phù hợp với giai đoạn đầu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế, khi các cơ chế, cấu trúc kinh tế chưa phát triển và phức tạp như hiện nay. Các nguyên tắc và nội dung quy định trong Luật Kế toán đã có bước tiếp cận đáng kể với thông lệ, chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế về kế toán, giúp các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện hoạt động kế toán, lập báo cáo tài chính đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, giúp thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam phát triển như hiện nay. Do những thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế, chính sách của Nhà nước và yêu cầu hội nhập, mở cửa theo kinh tế thị trường… đã đến thời điểm cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới Luật Kế toán.

Đồng thuận với quan điểm đổi mới Luật Kế toán, ông Đặng Văn Thanh  Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam cũng chia sẻ, các quy định của Luật Kế toán 2003 về dịch vụ kế toán, Hội nghề nghiệp về kế toán, cũng không còn phù hợp. Việt Nam đã gia nhập WTO có nghĩa đã chấp nhận các cam kết, điều khoản, cam kết và quyết tâm thực hiện. Luật Kế toán mới cần hướng đến mục tiêu tiệm cận chuẩn mực quốc tế về kế toán-minh bạch thông tin, chấp nhận và thừa nhận các chuẩn mực kế toán quốc tế, cũng như chứng chỉ hành nghề kế toán và kiểm toán của các nước trong khu vực và thế giới…

Tiệm cận với thông lệ quốc tế

Quan điểm của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán: Đảm bảo phù hợp với cam kết WTO và Chiến lược phát triển kế toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 18/03/2013), trước hết là yêu cầu công khai, minh bạch hệ thống thông tin về kinh tế, tài chính, trong đó đặc biệt là thông tin, số liệu do kế toán cung cấp và được kiểm toán xác nhận. Trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, Việt Nam đã cam kết mở cửa gần như hoàn toàn, do đó phải tiếp cận gần nhất với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, với hệ thống thông tin tự động liên kết toàn cầu, tiếp cận về tổ chức quản lý, giám sát thực thi pháp luật kế toán. Kế toán phải hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế, được quốc tế thừa nhận.

PGS., TS. Đặng Thái Hùng cho biết, cùng với Luật Kiểm toán độc lập (có hiệu lực từ năm 2012), Luật Kế toán (sau khi sửa đổi, bổ sung) sẽ góp phần cho hoạt động tài chính, kinh tế Việt Nam minh bạch, hiệu quả hơn. Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập có mối quan hệ khăng khít, bổ khuyết lẫn nhau. Quy định về kế toán đúng đắn sẽ tạo ra hệ thống thông tin hữu ích, quy định về kiểm toán phù hợp sẽ góp phần đảm bảo làm tăng độ tin cậy của thông tin, số liệu của báo cáo tài chính. Ngược lại chính hoạt động kiểm toán tốt sẽ giúp cho hoạt động kế toán được hoàn thiện.

PGS., TS. Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán chia sẻ, Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung sẽ được xây dựng theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, phù hợp với nền kinh tế thị trường đang dần hoàn thiện của Việt Nam. Có 4 điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, nguyên tắc “giá thị trường” sẽ phải được nghiên cứu, quy định áp dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể của Việt Nam (Chứ không chỉ áp dụng “Nguyên tắc giá gốc” theo quy định trong Luật Kế toán 2003).

Thứ hai, nâng cao vai trò, vị trí của công tác kế toán nói chung và của Kế toán trưởng nói riêng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước vị thế của Kế toán trưởng sẽ phải được nâng cao hơn, Kế toán trưởng sẽ phải được tham gia vào các quyết định tài chính tầm vĩ mô của doanh nghiệp, tập đoàn.

Thứ ba, sẽ nghiên cứu, quy định về sổ sách, chứng từ kế toán, lưu trữ tài liệu kế toán phù hợp với trình độ phát triển công nghệ hiện nay (thay cho phương thức thủ công truyền thống).

Thứ tư, nghiên cứu, quy định phù hợp về nội dung, phương thức, tổ chức quản lý dịch vụ kế toán, thúc đẩy thị trường dịch vụ kế toán phát triển.