Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Hạn chế tình trạng "cha chung không ai khóc"

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (gọi tắt là Luật TSC) để thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) năm 2008. Dự thảo luật có nhiều điểm mới được cho là sẽ thay đổi tư duy cố hữu bấy lâu nay trong quản lý, sử dụng TSC.

TS.Vũ Đình Ánh

TS.Vũ Đình Ánh

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh về kỳ vọng này.

Phóng viên: Luật TSC đang được Bộ Tài chính hoàn thiện để trình Chính phủ, trình Quốc hội vào thời gian tới đây. Ông có nhận xét gì về những điểm mới trong dự thảo Luật này?

TS. Vũ Đình Ánh: Nếu như trước đây, Luật Quản lý, sử dụng TSNN chỉ tập trung vào những tài sản (TS) ở các đơn vị hành chính sự nghiệp thì trong dự thảo Luật TSC đã bao quát gần hết các loại TS. Đây là một điểm mới, quan trọng nhất bởi khi đối tượng TS được mở rộng thì hàng loạt nội dung đi theo sẽ phải phát triển hơn so với luật cũ.

Nhưng có lẽ, điểm đặc biệt nhất tôi muốn nói ở đây là dự thảo đã luật hóa được những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng TSC. Ở đây, TSC không chỉ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mà nó còn phải đem lại hiệu quả kinh tế. Với cách tư duy này, chúng tađề cậpđếnvấn đề khi đưa vào khai thác, sử dụng TS phát huy được hiệu quả tốt nhất không chỉ cho bản thân đối tượng sử dụng mà còn làm tăng tiềm lực cho quốc gia.

Tôi lấy một ví dụ, nếu 1 đơn vị không sử dụng hết công suất của TS thì có thể đem cho thuê, không phân biệt thành phần kinh tế (dự thảo tiến tới mục tiêu TSC là của tất cả mọi người, Nhà nước chỉ là chủ đại diện) nên việc cho thuê không chỉ phát huy hết hiệu quả và nâng giá trị của TSC lên mà quan trọng TSC đó còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội vì các đơn vị đi thuê sẽ không phải mất công đầu tư vào một loại TS tương tư như thế (có khi lại không hiệu quả). Đây là hiệu quả 2 chiều giúp tiết kiệm ngân sách rất lớn.

Một điểm đặc biệt nữa tôi thấy rất tiến bộ là những việc ta vẫn làm trước đây (nhưcho thuê trụ sở làm việc, hay gần đây là việc mua sắm TSNN theo phương thức tập trung,...) hiện đã được luật hóa tạo cơ sở cho việc quản lý, khai thác TSC tốt hơn, tránh việc (vẫn làm nhưng) không có cơ sở pháp luật.


Vậy theo ông, những điểm mới này có khắc phục được những tồn tại trong Luật Quản lý, sử dụng TSNN không?

Việc khắc phục được những tồn tại trong Luật Quản lý, sử dụng TSNN theo tôi, nó phụ thuộc vào chi tiết từng nhóm vấn đề.

Nhưng Luật TSC khi ra đời sẽ tạo ra khung pháp lý và tạo cơ sở pháp luật để thay đổi tư duy liên quan đến TSC, từ việc hình thành cho đến việc quản lý và sử dụng nó.

Với những cấp bách hiện nay trong quản lý, sử dụng TSC, theo ông, điểm nào chúng ta nên làm ngay để việc quản lý TSC thực sự mang lại hiệu quả?

Theo tôi, việc quan trọng nhất cần làm ngay bây giờ là phải có một hệ thống thông tin đầy đủ về TSC. Không chỉ nói đơn thuần là quản lý TSC mà chẳng biết có cái gì thì quản lý làm sao?

Cho nên, việc đầu tiên là cơ quan quản lý phải nắm được số lượng TS hiện có qua 1 hệ thống thông tin. Trong cơ sở thông tin này không chỉ đơn thuần có tên TS, giá trị TS,... mà phải có cả tên đơn vị, cơ quan đang quản lý nó. Từ cơ sở thông tin này mới dẫn đến việc quy trách nhiệm trong quản lý TSC của đơn vị đó (giao cho ai sử dụng; hình thức, cơ chế giao là như thế nào).

Việc này theo tôi được biết, Bộ Tài chính đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN rồi nhưng chưa bao quát hết các loại TSC, do phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành còn hẹp.

Tiếp theo, chúng ta hãy bàn đến việc cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả của TS trong quá trình cho thuê, kinh doanh dịch vụ, cho liên doanh, liên kết. Đây cũng chính là phương pháp để loại bỏ tư duy gần như cố hữu bấy lâu nay trong quản lý, sử dụng TSC theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Bây giờ sẽ không còn tình trạng “cha chung” nữa mà phải có một địa chỉ để quy trách nhiệm rõ ràng.

Cũng có ý kiến cho rằng việc mua sắm tập trung (MSTT) TSNN chưa chắc đã hạn chế được tình trạng lãng phí và tiêu cực bởi cơ quan quản lý không thể kiểm soát được nhu cầu thực sự của từng địa phương, từng đơn vị. Ông bình luận gì về ý kiến này?

Thực ra các tiêu cực, thậm chí là tiêu cực lớn trong mua sắm TS là có. Tuy nhiên, với MSTT, các cơ quan quản lý sẽ dễ dàng kiểm soát hơn. Xưa nay có cả vạn đầu mối cùng mua sắm nên không thể kiểm soát nổi, nhưng với MSTT, chỉ còn vài đầu mối nên việc kiểm soát sẽ dễ hơn, chặt chẽ hơn, do đó, tiêu cực cũng sẽ giảm đi.

Hơn nữa trước đây, chúng ta thực hiện mua sắm lẻ tẻ một vài TS cho mỗi đơn vị nên việc đi kiểm tra, kiểm soát là rất khó. Nhưng với MSTT sẽ là những hợp đồng lớn cùng với những khoản hoa hồng, chiết khấu rất lớn nên cũng không dễ dàng “nuốt” những khoản này để tư lợi cá nhân.

Vấn đề đặt ra ở đây là, MSTT phải đi theo kế hoạch và các đơn vị phải biện giải nhu cầu mua sắm của mình cho đầu mối là đơn vị MSTT nên phải tính toán làm sao có một cơ chế, một bộ máy, một quy định để giảm hành chính hóa vấn đề.

Tuy nhiên, việc MSTT cũng đã có sự phân chia rồi, những TS nào phổ biến, nhu cầu mua đồng loạt thì mới MSTT, còn những TS mang tính đặc thù vẫn giao cho các cơ quan, ban, ngành mua sắm.

Cũng có quan điểm cho rằng, trong MSTT sẽ thực hiện hình thức đấu thầu, mà việc đấu thầu này chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ sẽ không đáp ứng được nên bị loại khỏi “cuộc chơi”. Ông cóbình luận gì về quan điểm này?

Điều này hoàn toàn đúng. Thực ra MSTT sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Ví dụ như mua sắm xe ô tô, đơn vị MSTT sẽ làm việc trực tiếp với nhà máy, với nhà xuất khẩu, do đó giá xe sẽ thấp hơn rất nhiều so với giá tại các salon ô tô.

Trong MSTT thực hiện lựa chọn nhà thầu rộng rãi, bởi đây là những đơn hàng có quy mô lớn như kiểu mua buôn nên sẽ có lợi thế hơn hẳn so với mua lẻ. Bất kể hàng hóa nào cũng vậy, đây là điều rõ ràng không phải bàn cãi.

Đặt vấn đề doanh nghiệp nhỏ bị loại khỏi cuộc chơi và thiệtthòi cho họlà điều hết sức vô lý ở chỗ, TS lớn như thế không phải là đối tượng kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ. Chẳng hạn như mua ô tô, các doanh nghiệp nhỏ chỉ là đại lý của nhà máy, vậy việc gì phải lấy tiền của Nhà nước ra để “nuôi” doanh nghiệp đó ăn phần chênh lệch. Nên lập luận này theo tôi là không chuẩn, vô lý.

Tất nhiên là các đơn vị MSTT sẽ phải tính toán để phân chia quy mô gói thầu sao cho phù hợp, không quá lớn để hạn chế nhà thầu tham gia. Vấn đề là phải đặt lợi ích của Nhà nước lên trên. Tiền Nhà nước là do nhân dân đóng góp, trong đó cũng có phần đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ nên phải chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm, chứ không phải vì doanh nghiệp nhỏ mà cuối cùng lại quay sang sử dụng tiền nhà nước một cách lãng phí được.

Xin cảm ơn ông!