Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập úng
Phát biểu tại Phiên họp thứ 31 (14/3) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề cốt yếu của Thủ đô, do đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có những quy định phù hợp để giải quyết được những vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản đạt được sự thống nhất và thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan. Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, thì dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền.
Theo đó, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, vấn đề tắc nghẽn giao thông, vấn đề xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề cốt yếu của Thủ đô. Do đó, dự thảo Luật cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động… để làm sao Thủ đô giải quyết được những vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội đề cập đến những ví dụ như tiêu chuẩn khí thải của ô tô và xe máy, Thủ đô có thể quy định theo hướng cao hơn, tích cực hơn đối với tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường. Nếu không có quy định tiêu chuẩn về khí thải cho xe máy, thì không giải quyết được vấn nạn về ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông. Hay như xử lý rác thải, nhà máy đốt rác có quy hoạch rác thải, nhưng phát điện lại chưa có quy hoạch điện nên gây ra nhiều khó khăn...
Từ những ví dụ đưa ra, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sửa Luật Thủ đô là cơ hội để rà soát lại việc phân cấp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tham gia Phiên họp, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, về nội dung phân cấp phân quyền cho Thành phố, cần rà soát kỹ và đầy đủ những vấn đề về định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, quy chuẩn, tiêu chuẩn về vấn đề môi trường còn rất thiếu, quy định về định mức, đơn giá còn vướng mắc, dẫn đến khó khăn trong triển khai các công trình đặc biệt của Thủ đô. Vì vậy, việc quy định giao thẩm quyền cho Thành phố là rất quan trọng.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cần đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán trong phân cấp phân quyền, giao thêm thẩm quyền hợp lý cho Thành phố hoặc cho Chính phủ trong vấn đề liên quan đến giới hạn sử dụng không gian ngầm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.