Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu sửa đổi: Điểm mới về cách tính thuế
Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2016. Trong đó có những quy định mới về cách tính thuế.
Tách biệt từng loại thuế
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 hiện hành chỉ quy định chung tại Điều 10: “1. Thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại Biểu thuế xuất khẩu. 2. Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường.”
Luật Thuế NK, thuế NK sửa đổi đã quy định cụ thể từng loại thuế gồm: Thuế theo tỷ lệ phần trăm (Điều 6), thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp (Điều 7), thuế đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan (Điều 8)...
Trong đó, thuế theo tỷ lệ phần trăm “được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế”.
Đồng thời, để phù hợp với việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu trong khuôn khổ một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) như TPP, Việt Nam - EU, Luật sửa đổi cũng quy định: “Trường hợp hàng hóa XK sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế XK trong quan hệ thương mại với Việt Nam thì thực hiện theo các thỏa thuận này”.
Như vậy, quy định tại Luật thuế sửa đổi được tách bạch rõ ràng, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, các cam kết liên quan đến thuế XK và tạo điều kiện cho việc thực hiện các cam kết thuế quan mà Việt Nam tham gia.
Bổ sung quy định về loại thuế suất
Luật hiện hành chưa có quy định về loại thuế suất được áp dụng cụ thể là thuế NK ưu đãi, ưu đãi đặc biệt hay thuế thông thường… đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường nội địa do đó chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh.
Luật Thuế XK, NK sửa đổi đã bổ sung quy định về áp dụng thuế suất đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường nội địa theo nguyên tắc hàng hóa đáp ứng điều kiện xuất xứ nào thì áp dụng theo mức thuế suất tương ứng với loại xuất xứ đó.
Cụ thể: Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam hoặc hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam hoặc hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy định về thuế suất thông thường cũng được sửa đổi, bổ sung. Luật hiện hành quy định thuế suất thông thường không quá 70% so với thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng do Chính phủ quy định.
Tại điểm c, khoản 3, Điều 6, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định: Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa NK không thuộc các trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt nêu trên, “được quy định bằng 150% so với thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng”.
Không quy định khung thuế suất thuế XK
Điều 12 Luật thuế XK, thuế NK hiện hành quy định UB Thường vụ Quốc hội ban hành Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng, bao gồm cả mức tối thiểu và mức tối đa (sau đây gọi tắt là Biểu khung).
Việc quy định mức khung thuế suất, bao gồm cả mức tối thiểu (sàn) và mức tối đa (trần) như thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực và là căn cứ quan trọng để Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với từng mặt hàng; đáp ứng tính chủ động, kịp thời trước những biến động giá cả của thị trường thế giới, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước và phù hợp với tính chất đặc thù của Biểu thuế NK.
Tuy nhiên, kể từ năm 2007 khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết cho 100% số dòng thuế tại thời điểm gia nhập và phải cắt giảm hàng năm theo lộ trình cam kết, đến nay lộ trình này cơ bản hoàn thành. Do đó, việc quy định mức trần tối đa Biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu như hiện hành thực tế không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, về mức thuế suất sàn (tối thiểu) thuế suất nhập khẩu cũng bộc lộ bất cập, do vậy việc xây dựng sàn thuế (tối thiểu) của Biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu như hiện hành là không phù hợp.
Để khắc phục, Luật sửa đổi và Danh mục nhóm hàng chịu thuế XK không quy định khung thuế suất thuế xuất, nhập khẩu mà thay bằng quy định mức tối thiểu đối với một số nhóm hàng chịu thuế XK.