Lùi thời hạn thực hiện cải cách chính sách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp

Việt Hoàng

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo dự kiến ban đầu, cả nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp từ năm 2022, tuy nhiên do tình hình khó khăn chung, chưa đáp ứng các điều kiện cần và đủ nên việc thực hiện chính sách tiền lương được lùi lại.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Một trong những nội dung được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV là vấn đề lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, triển khai Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/2/2020 và Nghị định số 87/2021/NĐ-CP ngày 29/9/2021 về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP, hiện đang thí điểm trả lương ở doanh nghiệp đối với ba tập đoàn (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam). Đây sẽ là cơ sở rút kinh nghiệm để tiến tới triển khai trên quy mô toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên cơ sở đó, lương doanh nghiệp sẽ có thay đổi căn bản. Cụ thể, lương được xác định là giá cả sức lao động, chính vì vậy, phải trả lương theo nguyên tắc thị trường, chủ sử dụng lao động sẽ là người quyết định thang bảng lương, Nhà nước không quy định thang bảng lương như trước.

Người lao động và chủ sử dụng lao động sẽ thoả thuận lương trên cơ sở sự phát triển của doanh nghiệp, thu nhập phúc lợi và cơ sở mức lương tối thiểu vùng – mức sản tối thiểu Nhà nước đặt ra, không thể thấp hơn, nếu thấp hơn là doanh nghiệp vi phạm, còn cao hơn mức nào do hai bên thoả thuận. Người lao động có quyền chấp nhận hay không khi thoả thuận mức lương. Bên cạnh đó, việc trả lương sẽ được dựa trên chỉ số giá cả, khả năng chi trả và bài toán hài hoà lợi ích.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, để thực hiện tốt việc cải cách trên, cần phải làm tốt vai trò ba bên, đó là: cơ quan quản lý Nhà nước - đại diện giới chủ (VCCI) và đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo dự kiến ban đầu, cả nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp từ năm 2022, tuy nhiên do tình hình khó khăn chung, chưa đáp ứng các điều kiện cần và đủ nên việc thực hiện chính sách tiền lương được lùi lại. Thời điểm cải cách tiền lương sẽ giao Chính phủ, các cơ quan liên quan, Quốc hội xem xét và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.