Lưới điện không theo kịp dự án năng lượng tái tạo
Từ nay đến cuối năm 2019, dự kiến có thêm 5.000 MW điện mặt trời, chủ yếu từ khu vực miền Trung, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, việc giải tỏa công suất của các dự án năng lượng tái tạo, nhất là ở Ninh Thuận, Bình Thuận đang gặp không ít khó khăn. Một số dự án điện mặt trời mới giải tỏa được khoảng 30 - 40% công suất thiết kế.
Quá tải do dự án lưới điện ì ạch
Tại Phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương tháng 6/2019 diễn ra tuần qua, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng phụ tải rất lớn, vượt xa so với dự kiến. Từ nay đến cuối năm, chúng ta có điều kiện để “trông chờ” 5.000 MW của các dự án điện mặt trời bổ sung, chủ yếu ở miền Trung. Song các dự án năng lượng tái tạo lại đang gặp vướng mắc về hệ thống hạ tầng để giải tỏa công suất.
Đề cập thực trạng này tại các dự án năng lượng tái tạo ở tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương chỉ rõ, hiện tiến độ triển khai các công trình lưới điện để giải tỏa nguồn công suất các dự án năng lượng tái tạo đang gặp khó khăn, vướng mắc. Mặc dù các công trình điện 110 kV đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể đi vào vận hành dẫn đến không đồng bộ giữa nguồn và lưới, gây ra hiện tượng quá tải. Có thể kể đến một số công trình như: Nâng công suất, xây dựng mạch 2 các đường dây 110 kV Tháp Chàm - Ninh Phước - Phan Rí; Phan Thiết - Lương Sơn - Phan Rí - Tuy Phong…
Nguyên nhân là, các công trình này gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng vì đường dây dài, đi qua địa bàn nhiều địa phương. Có địa phương tạo điều kiện nhưng cũng có địa phương chưa tạo điều kiện nên mất nhiều thời gian trong giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án lưới điện cũng gặp khó do có ít nhà thầu tham dự. “Hiện có nhiều dự án điện mặt trời cùng lúc triển khai thi công nên đòi hỏi số lượng lớn các nhà thầu xây lắp thực hiện. Trong khi đó, số lượng các nhà thầu Việt Nam còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư xây dựng”, ông Hùng bổ sung.
Hiện nay, có nhiều dự án lưới điện truyền tải đang chuẩn bị đầu tư như: Nâng công suất trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân quy mô 2.900 MVA dự kiến khởi công quý I/2020, đóng điện quý IV/2020; Nâng công suất trạm biến áp 500 kV Di Linh 900 MVA, khởi công quý I/2020, đóng điện quý IV/2020; Nâng công suất trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm công suất 2x250 MVA, khởi công quý IV/2019, đóng điện quý I/2020…
Tháo gỡ khó khăn, giải tỏa công suất
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nghiêm các giải pháp đầu tư, thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện, trạm biến áp để giải tỏa công suất tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Đồng thời, EVN phối hợp cùng các địa phương đảm bảo tiến độ chung của các dự án, nhất là giải phóng mặt bằng… Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù liên quan đến Luật Quy hoạch mới để tập trung đẩy nhanh tiến độ, đưa một số dự án mới vào vận hành, góp phần giải tỏa công suất, cân đối nguồn cung điện từ nay đến cuối năm.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Bùi Quốc Hùng cho biết, ngày 27/9/2018, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh danh mục các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất các dự án nguồn điện mặt trời đã được Thủ tướng đồng ý năm 2018. Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều đoàn công tác tại các tỉnh, đánh giá tình hình triển khai các dự án điện mặt trời và điện gió, đề nghị địa phương có dự án quan tâm hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án lưới điện.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia khẩn trương đẩy sớm tiến độ vận hành các công trình mới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế để nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai các công trình lưới điện chống quá tải đến năm 2020.