“Lưới đỡ” an sinh xã hội

Theo daibieunhandan.vn

Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, trong đó BHYT hộ gia đình được xem là một trong những giải pháp quan trọng; qua hơn hai năm triển khai, phát triển BHYT nhóm đối tượng hộ gia đình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cán bộ Bảo hiểm Xã hội đến từng thôn và hộ dân tuyên truyền, vận động mua bảo hiểm y tế. Nguồn: internet.
Cán bộ Bảo hiểm Xã hội đến từng thôn và hộ dân tuyên truyền, vận động mua bảo hiểm y tế. Nguồn: internet.

“Lưới đỡ” an sinh xã hội

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn, làm tốt công tác phát triển BHYT hộ gia đình là dệt tấm “lưới đỡ” chắc chắn cho những người chưa thuộc bất kỳ nhóm đối tượng nào đã tham gia BHY, bảo đảm mọi người đều được BHYT bảo vệ.

Trong xu hướng tăng cao của chi phí y tế hiện nay, cá nhân, hộ gia đình hơn lúc nào hết cần tham gia BHYT nói chung, BHYT hộ gia đình nói riêng, để hạn chế gánh nặng tài chính khi rủi ro ốm đau, bệnh tật.

Để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tăng cường các giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhất là các vướng mắc trong việc phát triển đối tượng và việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT; đề xuất, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1167/QĐ-TTg về  điều chỉnh giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố; tăng cường phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Đặc biệt BHXH Việt nam đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện; phối hợp với các địa phương tổ chức thống kê, thu thập và nhập thông tin của trên 24,2 triệu hộ gia đình tham gia BHYT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về chính sách BHXH và BHYT nhưng có kế hoạch, lựa chọn theo nhóm đối tượng để xây dựng nội dung tuyên truyền, đối thoại phù hợp nhằm thu hút người dân tham gia BHYT hộ gia đình.

Với những nỗ lực của ngành BHXH trong công tác phát triển BHYT hộ gia đình, số người tham gia BHYT hộ gia đình đã đạt trên 12 triệu người, tăng 3 triệu người, ước khoảng 35% so với năm 2015. Tổng số tiền thu BHYT thu BHYT hộ gia đình là trên 6 ngàn tỷ đồng; tăng khoảng 30% so với năm 2015.

Khi cả hệ thống vào cuộc...

Theo BHXH việt Nam, đối với việc mở rộng diện bao phủ BHYT, phát triển BHYT hộ gia đình, thì nơi nào huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao thì địa phương đó đạt kết quả tốt; đặc biệt là quan trọng của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó là sự chủ động, tích cực của hệ thống cơ quan BHXH trong việc tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu và đề xuất các giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng, thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 2016 -2020 của các địa phương, trong đó chú trọng phát triển BHYT hộ gia đình.

Đối với địa bàn cấp huyện, xã... cơ quan BHXH thường xuyên tổ chức các hội nghị hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo HĐND, UBND, của các địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp để bàn về giải pháp phát triển đối tượng, mở rộng đại lý thu đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh... gắn mỗi đại lý thu với công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển BHYT hộ gia đình.

Đó là, nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế về chính sách BHYT, Việc chủ động, phối hợp của cơ quan quản lý đối tượng tại một số địa phương trong công tác rà soát, lập danh sách người tham gia BHYT được Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng còn rất chậm, còn trùng lặp ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Trong thời gian tới, để tăng hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời, đẩy mạnh triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết nghiệp vụ BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng khai thác, tuyên truyền chính sách, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo hướng chuyên nghiệp; hoàn thiện đồng bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, triển khai cấp mã định danh cho người tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT tại các đơn vị, doanh nghiệp.