Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Luôn đồng hành và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam

PV.

Sáng 21/8, tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Đông đảo các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản tham dự tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Nguồn: mof.gov.vn
Đông đảo các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản tham dự tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Nguồn: mof.gov.vn

Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Nhật Bản

Trong bối cảnh nền kinh tế các nước đang trên đà khởi sắc, nền kinh tế Việt Nam cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân khoảng gần 6%/năm trong 30 năm qua.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh năm 2016-2017 của Việt Nam tăng 9 bậc (từ 91/189 lên 82/190 quốc gia). Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã xếp hạng sức cạnh tranh quốc gia của Việt Nam năm 2017 là 60/138 quốc gia. Giữa tháng 5/2017, Tổ chức đánh giá tín nhiệm Mody’s đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ “ổn định” lên mức “tích cực”...

Việt Nam luôn có sự ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; thể chế luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam không ngừng được cải thiện, từng bước phù hợp với các cam kết và chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm hoạt động lâu dài và phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực môi trường kinh doanh của các nước OECD, giảm bất trắc về môi trường vĩ mô và chính sách, tăng khả năng đoán định, thực hành minh bạch và trách nhiệm giải trình với cộng đồng kinh doanh. Tiếp tục xây dựng, kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế (như cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực)...

Với môi trường kinh doanh thuận lợi, Chính phủ Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam trong các lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia, dự án PPP; Môi trường; Năng lượng, năng lượng tái tạo; Công nghiệp chế tạo; Nông nghiệp chất lượng cao - hiệu quả;  Tài chính & ngân hàng; và Tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đối với việc tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam khuyến khích hoạt động mua bán và sáp nhật (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực, như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam khuyến khích nhà đầu tư Nhật Bản tích cực tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Hiện TTCK Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài với nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong 6 năm qua. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9.300 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và mua ròng 14.400 tỷ đồng trái phiếu.

Có chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút hiệu quả hơn mọi nguồn lực, mọi ý tưởng sáng tạo góp phần phát triển kinh tế. Việt Nam cam kết mạnh mẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Trên thị trường tài chính hiện nay, đã có nhiều tập đoàn tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán Nhật Bản tham gia đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn chưa xứng với tiềm năng phát triển. Nhằm khuyến khích hơn nữa sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản, trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phù hợp, các giải pháp sẽ được tập trung nghiên cứu và triển khai trong thời gian tới bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục tháo gỡ các rào cản, tăng cường cải cách trong cơ chế cổ phần hóa, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh việc niêm yết các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có quy mô lớn trên TTCK và giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước để tăng hàng hóa có chất lượng cho TTCK, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Thứ ba, hiện đại hóa công nghệ thông tin về hệ thống đấu thầu, đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu từ T+2 vào năm 2016 xuống còn T+1 vào năm 2025 nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu.

Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư nước ngoài: Giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài khi cấp mã số giao dịch và triển khai cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài. Tăng cường trao đổi, đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường vốn.

Thứ năm, đa dạng hóa các sản phẩm trên TTCK nhằm đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội đầu tư, nhiều sản phẩm đầu tư phù hợp với nhu cầu và thời hạn đầu tư.

Thứ sáu, xây dựng cơ chế và lộ trình thực hiện quản trị rủi ro cho các công ty niêm yết. Tiếp tục tăng cường tính minh bạch, hoàn thiện hệ thống công bố thông tin.

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện giải pháp nhằm nâng hạng nền kinh tế, TTCK và thị trường trái phiếu Việt Nam từ nhóm các TTCK cận biên lên nhóm các TTCK đang phát triển trên bảng MSCI, nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam.