Lượng đổi, chất tăng
(Tài chính) Năm 2014 có thể coi là một năm khá thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Một cách thẳng thắn thì số vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam trong năm 2014 vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, nếu không kể “hiện tượng” Samsung. Bởi năm 2013 được ghi nhận là năm có rất nhiều dự án có giá trị lên tới cả tỷ đôla đổ vào Việt Nam, còn năm 2014, số dự án quy mô lớn không nhiều. Cả năm, chỉ có 3 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư và đều thuộc về Tập đoàn Samsung với tổng vốn đăng ký 5,4 tỷ USD, chiếm tới 25% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm.
Con số thật, dự án thật
Đánh giá về sự sụt giảm này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, không nên so sánh con số thu hút vốn FDI với cùng kỳ năm trước mà nên đánh giá trong cả một thời kỳ 3-5 năm. “Trên thế giới cũng không có nước nào so sánh con số thu hút FDI của năm nay so với cùng kỳ năm trước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Hơn nữa, nếu so với mục tiêu đề ra thì năm nay Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch cả về vốn đăng ký và vốn giải ngân. Con số 12,35 tỷ USD vốn giải ngân, theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là tích cực, có đóng góp lớn cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm nay.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, nhìn lại tình hình thu hút FDI những năm gần đây thì mặc dù năm 2008 là năm “đỉnh cao” với hơn 72 tỷ USD vốn đăng ký, song trong số này không ít dự án ảo đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, tuy quy mô không lớn, song vốn FDI năm 2014 được cho là những “con số thật, dự án thật”.
Nỗi lo ngại về tính thiếu khả thi của các dự án tỷ USD đã được trả lời bằng việc, ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 7/2014, nhà đầu tư Samsung Display đã khởi công dự án 1 tỷ USD ở Bắc Ninh. Tương tự, dù mới nhận được giấy chứng nhận đầu tư chính thức hôm 17/11, song một tháng sau, những khung nhà xưởng đầu tiên đã được Samsung dựng lên cho dự án 3 tỷ USD ở Thái Nguyên. Còn dự án 1,4 tỷ USD ở TP.HCM, theo kế hoạch cũng sẽ được khởi công ngay trong đầu năm tới để một năm sau có thể đi vào hoạt động. Thậm chí, với các dự án quy mô nhỏ hơn, chẳng hạn dự án chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung, vốn đầu tư 300 triệu USD và Dự án KCN Texhong Hải Hà, 215 triệu USD, cũng đã rất nhanh sau đó được chủ đầu tư là Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) khởi công xây dựng vào cuối tháng 10/2014.
Tóm lại, không tính các dự án quy mô nhỏ khác, cả 5 dự án FDI có quy mô lớn nhất trong năm 2014 đều đã có những động thái triển khai tích cực. Không giống như nhiều năm trước đây, không ít dự án đăng ký rồi để đấy, lừng khừng trong việc triển khai, liên tục bị cảnh báo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Chất lượng ngày càng tăng
Thực tế, ngay từ chuyện “dự án thật” đã là một sự khẳng định cho những thay đổi về chất của dòng vốn FDI vào Việt Nam những năm gần đây. Song quan trọng hơn, đó là xu hướng khá rõ nét của việc ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao chọn Việt Nam là điểm đến. Đây chính là một trong những định hướng hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới, nhằm tối ưu hóa lợi ích của FDI với Việt Nam.
Xu hướng này manh nha từ thời điểm Intel bắt đầu dốc vốn vào Việt Nam, kéo theo Canon, Samsung, Nokia (nay đổi tên thành Microsoft), Nidec, LG… Tuy nhiên, mọi chuyện có lẽ chỉ trở thành cao trào bắt đầu tư năm ngoái, khi Samsung dốc hàng tỷ USD vào Việt Nam và năm nay bỏ thêm tới 5,4 tỷ USD để biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình. Dự kiến năm 2014, Samsung sẽ xuất khẩu 28 tỷ USD sản phẩm điện thoại di động các loại, chiếm khoảng hơn 50% tổng lượng điện thoại Samsung sản xuất trên toàn cầu.
Theo sau Samsung là hàng chục nhà đầu tư vệ tinh trong lĩnh vực điện tử, với tổng vốn đăng ký lên tới hàng tỷ USD. Chỉ tính riêng Thái Nguyên, sau hơn 1 năm Dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) triển khai xây dựng, đã có khoảng 600 triệu USD vốn đầu tư của các dự án vệ tinh đổ vào tỉnh này, góp phần quan trọng làm thay đổi cả bộ mặt kinh tế của tỉnh. Sau Samsung, cả Microsoft và LG cũng đang lên kế hoạch biến Việt Nam thành “công xưởng” sản xuất điện thoại di động của hãng trên toàn cầu. Nhà máy Nokia, sau khi thuộc về Microsoft, đã không chỉ sản xuất dòng điện thoại cơ bản như trước đây nữa mà đã nhập về 39 dây chuyền sản xuất từ các nhà máy ở Komarom (Hungary), Bắc Kinh, Quảng Đông (Trung Quốc) và Reynosa (Mexico) để bắt đầu sản xuất smartphone từ tháng 8/2014 và trở thành một trọng điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Microsoft.
Trong khi đó, LG vào giữa tháng 12/2014 cũng đã thuê thêm 40 ha đất ở KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) để mở rộng giai đoạn II của dự án 1,5 tỷ USD hiện tại. Tập đoàn này nhiều khả năng cũng sẽ dịch chuyển sản xuất điện thoại di động về Việt Nam, giống như hai đối thủ Samsung và Microsoft. Không chỉ các nhà sản xuất điện thoại di động, trong một động thái gần đây, Intel cũng đã công bố việc dịch chuyển sản xuất từ CostaRica về Việt Nam và tới đây có đến 80% chip thế hệ thứ tư của hãng này sẽ được sản xuất tại Việt Nam. “Việt Nam thực sự đang có một cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ cao, qua đó nâng cao chất lượng của dòng vốn FDI”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI bình luận.
Không chỉ là công nghệ cao, Việt Nam cũng đang dần từng bước trở thành công xưởng lớn của thế giới sau khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã và chuẩn bị được ký kết. Thông tin cách đây chưa lâu, các hãng Nike, Adidas… đều muốn dịch chuyển sản xuất về Việt Nam. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may cũng không ngừng đổ vốn vào Việt Nam.
Và phía sau thành tích
Đằng sau những thành tích nổi bật nói trên là những góc khuất. Và điều khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh luôn trăn trở từ nhiều năm nay, đó là môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề. Bởi thế, nếu không nhanh được cải thiện, Việt Nam sẽ thua trong cuộc đua thu hút FDI với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan…
Song, đó là những vấn đề nhìn từ khía cạnh thu hút FDI mới, trong khi còn một góc khuất khác ở phía sau thành tích thu hút FDI của Việt Nam, đó là khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân còn khá lớn, dù những năm gần đây đã được thu hẹp đáng kể.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, lũy kế đến ngày 15/12/2014, Việt Nam đã thu hút được 254,3 tỷ USD vốn FDI đăng ký, song mới chỉ giải ngân được 121 tỷ USD. Điều đó có nghĩa rằng, còn phân nửa vốn FDI cam kết vẫn chưa được đưa vào thực hiện.
Chuyện này rất dễ được lý giải bằng hàng loạt dự án quy mô lớn bị đưa vào diện cảnh báo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Có thể kể đến Dự án Thép Guan Lian (Quảng Ngãi), vốn đầu tư hiện tại 3 tỷ USD. Dự án này gần 3 năm qua được Tập đoàn JFE (Nhật Bản) theo đuổi, song mới đây tuyên bố rút, không nghiên cứu đầu tư nữa và “trả về” E-United (Đài Loan). Trong khi đó, E-United có triển khai dự án hay không là điều khó có thể dự đoán trước.
Tương tự, Dự án NewCity (Phú Yên), vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, sau một thời gian dài không triển khai, cách đây ít lâu đã buộc phải giảm quy mô xuống 1 tỷ USD và thay vào đó là một chủ đầu tư khác.
Ở Kiên Giang, Dự án Khu du lịch Bãi Dài Resort của Starbay, vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, nguy cơ bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư vẫn đang lơ lửng. Hay Dự án Nam Hội An, vốn đầu tư 4 tỷ USD ở Quảng Nam vẫn đang loay hoay tìm kiếm nhà đầu tư thế chân sau khi Genting Malaysia Berhad tuyên bố rút đi… Chưa kể, còn hàng loạt dự án thuộc diện chậm triển khai, như Giấy và Bột giấy Lee&Man ở Hậu Giang; Khu du lịch Vĩnh Hội và Dự án xe bus ở Bình Định; Dự án Nhà máy Điện gió Phước Nam – Enfinity của nhà đầu tư Enfinity (Bỉ) ở Ninh Thuận… Toàn các dự án quy mô nhỏ thì hàng trăm triệu USD, lớn là cả tỷ USD, song chậm triển khai, khiến địa phương sốt ruột, còn người dân thì bức xúc vì đất đai bị bỏ hoang lâu ngày…
Chính vì thế, làm sao để thúc đẩy giải ngân vốn FDI cũng đã được các chuyên gia kinh tế nhắc tới, nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam. Cùng với đó là mạnh tay hơn với các chủ đầu tư chây ỳ không chịu triển khai dự án… “Chúng ta không thể để những dự án đăng ký hàng tỷ USD, “ôm” hàng chục hec-ta đất rồi để đấy. Cần phải dành chỗ cho những nhà đầu tư thực sự có năng lực”, ông Mại nhiều lần khuyến cáo.
Trên thực tế, đây cũng là cách để “làm sạch” môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó giúp Việt Nam thu hút tốt hơn vốn FDI. Dù vẫn còn những góc khuất, song nhìn lại có lẽ Việt Nam cũng đã có một năm thành công trong thu hút FDI.