Lưu ý đặc biệt cho doanh nghiệp khi áp dụng ISO 50001

Hạ Băng

ISO 50001:2011 là công cụ đắc lực cho mọi doanh nghiệp trong việc thiết lập, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL), nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp điển hình sử dụng năng lượng hiệu quả nhờ áp dụng ISO 50001.
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp điển hình sử dụng năng lượng hiệu quả nhờ áp dụng ISO 50001.

Ý thức tiết kiệm năng lượng tăng đáng kể

Tiêu chuẩn ISO 50001 được Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) công bố ngày 15/6/2011. ISO 50001 hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp cải thiện hiệu quả quản lý năng lượng đồng thời tối ưu hóa hoạt động năng lượng ở tất cả các quy trình.

Tại Việt Nam, từ khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm hiểu và áp dụng tiêu chuẩn này nhằm xây dựng HTQLNL.

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp điển hình sử dụng năng lượng hiệu quả nhờ áp dụng ISO 50001. Đến nay, 100% các nhà máy xây dựng HTQLNL tiêu chuẩn ISOO 50001 thông qua việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng có thể tái tạo như Năng lượng từ khí CNG, biomass, năng lượng mặt trời.

Tại Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai, sau thời gian triển khai áp dụng ISO 50001, ý thức tiết kiệm năng lượng của cán bộ, công nhân công ty được nâng lên đáng kể. Chính vì vậy, hàng loạt biện pháp cải thiện năng lượng được các kỹ sư vận hành của công ty đề xuất.

Kết quả điển hình là cải tiến chế độ vận hành thiết bị. Khi triển khai các bước áp dụng theo ISO 50001, các kỹ sư đã quan sát, theo dõi dữ liệu và phân tích kỹ từng yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng năng lượng.

Do đó, đã phát hiện ra hiện tượng lò được vận hành với công suất thấp hơn công suất thiết kế, cộng thêm việc dừng từng bộ phận của tổ hợp lò đã làm giảm hiệu suất lò và tăng hệ số tiêu hao điện năng trên đơn vị sản phẩm.

Trên cơ sở đó, phân xưởng từng bước duy trì chế độ ổn định của lò, yêu cầu công nhân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành của hệ thống theo biểu đồ nạp liệu, tháo xỉ và phero phốt pho để đạt được mục tiêu tối ưu hóa các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.

Nên tích hợp ISO 50001 với ISO 9001, ISO 14001

Bên cạnh các doanh nghiệp áp dụng ISO 50001 thành công, cũng không ít doanh nghiệp còn đối mặt khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên phải kể đến việc nhiều doanh nghiệp phải đối mặt là thiếu sự ủng hộ từ ban lãnh đạo. Nhiều trường hợp, khi đang triển khai HTQLNL thì Ban lãnh đạo lại thờ ơ, không muốn tiếp tục đầu tư, khiến dự án dang dở.

Bởi vậy, trước khi xây dựng HTQLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001, lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp cần hiểu rõ về cách thức, chi phí và thời gian xây dựng hệ thống, cũng như những hiệu quả mà nó mang lại. Từ đó, đưa ra cam kết, hỗ trợ đầy đủ cả về tài chính và nhân lực cho dự án.

Thời gian xây dựng hệ thống ở mỗi doanh nghiệp cũng khác nhau. Điều này phụ thuộc vào các HTQLNL và dự án đo lường năng lượng mà doanh nghiệp đang áp dụng. ISO 50001 có nhiều mối tương thích so với Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001  và Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001.

Doanh nghiệp đã áp dụng Tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc ISO 14001 sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi áp dụng ISO 50001. Bởi vậy, các chuyên gia năng suất, chất lượng khuyến cáo, các doanh nghiệp nên tích hợp ISO 50001 với các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001 hay OHSAS 18001 để có thể tiết kiệm và đồng bộ hơn.

Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý khi tính chi phí cho việc xây dựng HTQLNL. Nên có sự tham gia của bộ phận tài chính kế toán nhằm phân tích chi phí sử dụng và tiêu thụ năng lượng.

Chi phí này bao gồm tiền lương cho các thành viên xây dựng hệ thống và chi phí đào tạo nhận sự. Ngoài ra, chi phí cũng bao gồm các thiết bị đo lường, các công cụ IT nếu cần, chi phí tư vấn và đánh giá. 

Tập trung phát triển nguồn nhân lực

Để hệ thống đạt hiệu quả tối ưu, cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung gian cần được đào tạo nhận thức về HTQLNL. Các thành viên trong Ban Quản lý năng lượng phải là những người có kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm về sử dụng và tiết kiệm năng lượng.

Khi đã xây dựng được đội ngũ nhân lực có trình độ, doanh nghiệp mới tiến hành xem xét việc sử dụng, tiêu thụ năng lượng tại đơn vị. Từ đó, xác định doanh nghiệp đang ở mức độ nào so với yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 50001.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp khi xem xét tiêu thụ năng lượng chưa bao quát tất cả các hoạt động, bao gồm các hoạt động tiêu thụ năng lượng trong hiện tại, quá khứ và tương lai.

Trong quá trình kiểm toán năng lượng, doanh nghiệp thường thiếu sót các chỉ số sử dụng năng lượng hoặc liệt kê không đầy đủ các nguồn năng lượng được tiêu thụ. Đây cũng là điều các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý.