Giải pháp nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền - Trường Đại học công nghệ giao thông

Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tăng năng suất lao động là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến để thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Tăng năng suất lao động đối với tăng trưởng kinh tế đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới trở nên quan trọng hơn khi các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, tài nguyên trở nên khan hiếm, nguồn lao động đang bị ảnh hưởng do xu thế già hóa dân số trong tương lai.

Khái quát chung về năng suất lao động

Năng suất lao động (NSLĐ) phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, được đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian lao động sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), NSLĐ tính bằng số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được tạo ra cho một đơn vị lao động tham gia vào hoạt động sản xuất. Trong đó, hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế là Tổng sản phẩm trong nước (GDP); lao động tham gia vào hoạt động sản xuất tạo ra GDP phản ánh thời gian, công sức, kỹ năng của lực lượng lao động và thường được tính bằng số lao động đang làm việc hoặc giờ công lao động.

Ở Việt Nam, NSLĐ là một chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (quy định trong Luật Thống kê), được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm.

Giải pháp nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam - Ảnh 1

Thực trạng về năng suất lao động tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao NSLĐ, nhờ đó NSLĐ đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ. Năm 2020, NSLĐ đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động). Năm 2021 NSLĐ đạt 172,8 triệu đồng/lao động, tăng 22,8 triệu đồng/lao động so với năm 2020. Năm 2022, NSLĐ đạt 188 triệu đồng/lao động, tăng 15,2 triệu đồng/lao động so với năm 2021. Năm 2023, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).

Tốc độ tăng NSLĐ trong giai đoạn 2011-2023 của kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 4,53%; giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, và giai đoạn 2021-2023 tăng 4,6%.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các các nước trong khu vực thì hiện nay NSLĐ của Việt Nam vẫn rất thấp, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2017, NSLĐ mỗi giờ làm việc năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 10,2 USD, mức khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, Singapore đạt 74,2 USD; Malaysia đạt 25,6 USD; Thái Lan đạt 15,1 USD; Indonesia đạt 13 USD; tương đương năng suất lao động mỗi giờ của Philippines đạt 10,1 USD. Các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động mỗi giờ làm việc của Mỹ đạt đạt 70,7 USD; Pháp đạt 58,5 USD; Anh đạt 51,4 USD; Hàn Quốc đạt 41,5 USD; Nhật Bản đạt 39,6 USD; Trung Quốc đạt 13,5 USD.

Theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2023 chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore (Singapore gấp 13,2 lần); 19,5% của Malaysia (Malaysia gấp 5,1 lần); 37,9% của Thái Lan (Thái Lan gấp 2,4 lần); 45,6% của Indonesia (Indonesia gấp 1,8 lần) và bằng 56,9% NSLĐ của Philippines; chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 1,6 lần). Đây là thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam vì thực tiễn quá trình phát triển đất nước cho thấy việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động

Hình 1: Tốc độ tăng năng suất lao động nămNguồn: Tổng cục Thống kê
Hình 1: Tốc độ tăng năng suất lao động năm
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Hình 2: Năng suất lao động theo giờ năm 2023 (USD) .Nguồn: Tổng cục Thống kê
Hình 2: Năng suất lao động theo giờ năm 2023 (USD) .
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Lao động

Chất lượng lao động là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định tăng trưởng NSLĐ. Khoa học kỹ thuật công nghệ càng phát triển, máy móc thiết bị càng hiện đại thì càng đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn tương ứng. Người lao động có trình độ học vấn cao thì sẽ có khả năng tiếp thu nhanh chóng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tạo ra hiệu quả làm việc cao nhất.

Vốn sản xuất

Muốn nâng cao NSLĐ, bản thân các doanh nghiệp phải có nguồn vốn sản xuất đủ lớn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại. Quy mô vốn hạn hẹp, công nghệ sản xuất lạc hậu là nhân tố cản trở tăng trưởng NSLĐ. Việc sử dụng vốn đầu tư hiệu quả cao hay thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng cơ sở vật chất của từng ngành và toàn nền kinh tế, qua đó tác động tới tăng NSLĐ.

Tiền lương (tiền công), tiền thưởng

Tiền lương, tiền công là một yếu tố quan trọng góp phần tạo động lực thúc đẩy người lao động làm việc nâng cao NSLĐ. Tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của người lao động. Phấn đấu nâng cao tiền lương là yêu cầu tất yếu của người lao động, mục đích này tạo động lực để người lao động phát triển trình độ và khả năng lao động của mình.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Việc áp dụng công nghệ sản xuất, trình độ khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất cũng ảnh hưởng không nhỏ tới NSLĐ. Trong khi trình độ ứng dụng công nghệ sản xuất của Việt Nam khá thấp. Năng suất, chất lượng, hiệu quả của từng ngành cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất lớn vào trình độ công nghệ nhưng đến nay việc sử dụng công nghệ ở nước ta vẫn còn lạc hậu và xếp vào loại thấp nhất khu vực ASEAN.

Thể chế, chính sách kinh tế của Nhà nước

Các thể chế, chính sách kinh tế của Nhà nước có tác động mạnh đến sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Sự khuyến khích hay không khuyến khích sẽ tác động đến sự gia tăng mức tăng trưởng hay kìm hãm sự phát triển của một số ngành kinh tế, qua đó tác động đến tăng NSLĐ.

Giải pháp nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam

Nhằm nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam, cần chú trọng triển khai các giải pháp sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

- Cải cách thể chế: Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành.

- Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

- Xây dựng chính sách phát triển khoa học công nghệ, tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

- Tháo gỡ rào cản tài chính đối với doanh nghiệp.

- Cải cách chính sách tiền lương, tiền công:

+ Đối với khu vực công, cần thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới bao gồm mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp, tiền thưởng. Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới. Thay thế hệ thống bảng lương hiện hành bằng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

+ Đối với người lao động trong các doanh nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động; bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.

- Về giáo dục, đào tạo: nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để có lực lượng lao động cạnh tranh trong tương lai. Về phương diện đào tạo, cần trang bị các giá trị kỹ năng mà giảng viên và sinh viên thấy đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động; bổ sung các kỹ năng làm việc vào chương trình trung học phổ thông. Bên cạnh đó, cần thống nhất khung trình độ quốc gia và khung trình độ quốc gia bậc cao đẳng.

Đối với doanh nghiệp

- Xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giữ vững các thị trường truyền thống và từng bước thâm nhập vào các thị trường cao cấp.

- Đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp.

- Có chiến lược nâng cao NSLĐ thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.

- Tập trung đào tạo kỹ năng cho người lao động; tổ chức lại lao động, trong đó chú trọng kết hợp hiệu quả giữa lao động giữa người và máy theo từng công đoạn sản xuất, giúp tăng NSLĐ.

- Cung cấp sản phẩm hướng tới nhu cầu của người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp công nghệ tiên tiến.

Đối với người lao động

- Nâng cao ý thức, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp vì điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với chính người lao động. Khi có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề... thì người lao động sẽ nâng cao NSLĐ của chính bản thân mình, tạo uy tín trong môi trường làm việc và có cơ hội để nâng cao thu nhập. Vì vậy, cần có sự nỗ lực từ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động để góp phần hình thành hệ ý thức, kỷ luật chung của người lao động.

- Cần nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khẳng định năng lực... để thăng tiến, rèn luyện cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong xu thế phát triển hiện nay. Đây là yêu cầu tất yếu, nếu không đáp ứng được thì người lao động có thể bị đào thải trong quá trình phát triển chung của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo năng suất lao động Việt Nam năm 2023.
  2. Tổng cục Thống kê (2023), Tình hình thị trường lao động Việt Năm 2023.
  3. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (2017). Tài liệu hội thảo quốc tế “Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng”.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2024