Lý luận và thực tiễn về kế toán quản trị trong doanh nghiệp

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 11/2020

Kế toán quản trị (KTQT) được đánh giá là một bộ phận không thể thiếu trong quản trị hiện đại. Bài viết này tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận về KTQT để làm rõ hơn nhận thức về bộ phận kế toán này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Về lý luận, KTQT thuộc hệ thống kế toán cung cấp các thông tin đáp ứng chức năng quản trị. Để quản trị đạt hiệu quả, nhà quản trị cần có quan điểm, nhận thức đúng đắn về vai trò của KTQT. Bài viết thảo luận kinh nghiệm thực tiễn từ Mỹ, Pháp và chỉ ra các bài học cho doanh nghiệp của Việt Nam.

Đặt vấn đề

KTQT là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ yêu cầu quản trị nội bộ doanh nghiệp (DN). Khi mới ra đời, KTQT đóng vai trò là một hoạt động quản lý gián tiếp, là một phần của kế toán tài chính (Anthony, 1956). Tuy nhiên, ở giai đoạn tiếp theo, KTQT không còn dừng lại ở vị trí đó mà trở thành một bộ phận cấu thành quá trình quản lý để các nhà quản trị có thể trực tiếp tiếp cận thông tin.

Ở Việt Nam, thuật ngữ KTQT bắt đầu được công nhận trong Luật Kế toán năm 2003, tiếp tục được vận dụng và khẳng định trong Luật Kế toán năm 2015. Trước đó, năm 2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN và coi đây là một dấu mốc quan trọng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng KTQT trong các DN.

KTQT là một bộ phận nằm trong hệ thống kế toán của DN, là công cụ giúp nhà quản trị thực hiện chức năng quản trị. Tuy nhiên, hiện nay, các DN vẫn chưa chú trọng vào công tác KTQT hơn nữa nội dung KTQT còn tương đối mới, do đó, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến thông tin không đầy đủ, kịp thời và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý (Nga, 2019).

Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để nâng cao nhận thức về KTQT từ đó tăng hiệu quả trong việc vận dụng KTQT với mục đích cung cấp thông tin phục vụ cho việc lập kế hoạch, kiểm soát, đánh giá và ra quyết định liên quan trong nội bộ DN? Song hành cùng việc trả lời câu hỏi trên, hướng tới mục tiêu hệ thống hóa và phát triển một số vấn đề lý luận và thực tiễn về KTQT trong DN, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm cho các DN của Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

Đây là nghiên cứu tổng quan, trên cơ sở các tài liệu đã được công bố ở trong và ngoài nước, bài viết tổng hợp và phát triển cơ sở lý luận và thực tiễn về KTQT trong DN. Thông tin được sử dụng trong bài viết gồm các số liệu đã được công bố, được thu thập từ sách, báo, tạp chí, internet. Phương pháp phân tích chủ yếu được sử dụng là tổng quan tài liệu học thuật thông qua việc diễn giải các khái niệm, vai trò và mô tả thực tiễn KTQT trong DN của Mỹ và Pháp, từ đó đưa ra các bài học kinh nghiệm cho các DN của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu

Một số vấn đề lý luận về kế toán quản trị trong doanh nghiệp

Khái niệm về kế toán quản trị

KTQT đang trở thành xu thế mới của kế toán hiện đại. Kể từ khi KTQT xuất hiện, có rất nhiều nghiên cứu về nó. Có thể kể đến quan điểm H.Bouquin, KTQT được coi là công cụ dùng để cung cấp thông tin cho nhà quản trị ra quyết định điều hành mọi hoạt động của tổ chức để đạt được các mục tiêu đã đề ra (Bouquin, 1997).

Theo Atkinson và cộng sự, công cụ KTQT và hoạt động quản trị trong tổ chức luôn gắn liền với nhau, nó có vai trò quan trọng trong tất cả các khâu từ việc lập dự toán ở giai đoạn đầu cho đến khi chuyển sang hoạch định chính sách và cuối cùng là kiểm soát toàn bộ hoạt động của tổ chức (Atkinson, Kaplan, & Matsumura, 2011).

Tại Việt Nam, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XVIII sửa đổi, bổ sung và ban hành ngày 20/11/2015 đã nhấn mạnh, vai trò của KTQT là nguồn cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đúng yêu cầu phục vụ cho công tác quản lý khi nhà quản trị muốn đưa ra quyết định và cho biết trình tự nhận diện thông tin KTQT trong các tổ chức. KTQT thực hiện quy trình như kế toán tài chính bắt đầu từ việc tìm kiếm, thu nhận rồi truyền tải thông tin tới nhà quản trị nội bộ DN.

Từ những quan niệm trên, có thể hiểu KTQT cấu thành hệ thống hoàn chỉnh của kế toán, cung cấp các thông tin đáp ứng chức năng quản trị và là căn cứ khoa học để nhà quản trị ra quyết định.

Vai trò của kế toán quản trị

- Lập kế hoạch: Lập kế hoạch là việc mà DN đặt ra mục tiêu chung phải đạt được ở tương lai và vạch ra các mục tiêu cụ thể chắc chắn thực hiện để đạt được mục tiêu chung đó. Nói cách khác, lập kế hoạch chính là việc DN xác định được phương hướng hoạt động của mình, mặt khác lại là “tấm gương” phản chiếu bản thân DN đã thực hiện mục tiêu như thế nào.

Tác giả Fabio Frezatti và cộng sự (2011) đã có bài viết về vấn đề vai trò của KTQT trong lập kế hoạch, nghiên cứu khẳng định các quy trình hoạch định chiến lược và ngân sách trở nên nghèo nàn khi không có KTQT tham gia vào.

- Tổ chức thực hiện: Đây là giai đoạn triển khai kế hoạch đã được quyết định ban hành ở giai đoạn trên đến tất cả các bộ phận trong toàn DN, sau đó các bộ phận lại tiếp tục phân nhỏ các nội dung công việc cần làm để thực hiện kế hoạch đó. Việc thực hiện tại các bộ phận lại lặp lại quy trình từ việc thu thập thông tin đến việc lên kế hoạch thực hiện chi tiết như thế nào. Tuy nhiên, quy trình này được thu gọn ở quy mô nhỏ, chỉ trong thời gian ngắn nhưng đảm bảo chính xác để nhà quản trị cấp cơ sở đưa ra quyết định thực hiện kế hoạch của nhà quản trị cấp cao như thế nào, sau khi quyết định, họ sẽ triển khai hoạt động cụ thể tới từng thành viên của bộ phận đó.

Tại Việt Nam, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XVIII sửa đổi, bổ sung và ban hành ngày 20/11/2015 đã nhấn mạnh, vai trò của kế toán quản trị là nguồn cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đúng yêu cầu phục vụ cho công tác quản lý khi nhà quản trị muốn đưa ra quyết định và cho biết trình tự nhận diện thông tin kế toán quản trị trong các tổ chức.

- Kiểm tra và đánh giá: Kiểm tra, đánh giá thực chất chính là việc so sánh, đối chiếu giữa kế hoạch đề ra và việc thực hiện kế hoạch đó, từ đó thấy được các vấn đề đặt ra được giải quyết ở mức độ nào, những tồn tại gây cản trở quá trình thực hiện kế hoạch cũng như nguyên nhân dẫn đến tồn tại đó, để có những động thái điều chỉnh việc thực hiện nhằm đưa các hoạt động đi đúng hướng và đúng mục tiêu đề ra. Ernesto Lopez-Valeiras và cộng sự đã chia sẻ quan điểm của nhóm nghiên cứu về hệ thống kiểm soát và KTQT (Lopez-Valeiras, Gomez-Conde, & Naranjo-Gil, 2015). Kết quả cho thấy, hiệu quả là những đổi mới được tăng cường bởi sự hỗ trợ và tác động tới nhau ngày càng chặt chẽ giữa hệ thống kiểm soát và KTQT.

- Ra quyết định: Trong khung biểu thời gian làm việc của nhà quản trị, việc ra quyết định chiếm phần lớn thời gian của họ. Mỗi quyết định quản trị đều có tác động trực tiếp đến kết quả đạt được của DN. Do đó, nhà quản trị cần phải căn cứ trên những thông tin chính xác, được phân tích cụ thể để cân nhắc giữa các phương án nhằm đưa ra được quyết định mang tới hiệu quả cao nhất.

Việc ra quyết định được căn cứ trên nhiều nguồn thông tin, trong đó, hệ thống thông tin từ KTQT cung cấp là nguồn thông tin được dựa trên các bằng chứng rõ ràng, cụ thể nên có tính chính xác cao. Do đó, KTQT cần phải tổng hợp, phân tích, đánh giá để sàng lọc thông tin đắt giá nhất nhằm phục vụ cho nhà quản trị ra quyết định. 

Kinh nghiệm kế toán quản trị trong doanh nghiệp của Mỹ và Pháp

KTQT trong các DN ở Mỹ ra đời với mục tiêu cung cấp thông tin hữu ích và thiết lập các quyết định của nhà quản trị dựa trên những mô hình kế toán kết hợp, đây là mô hình hiện đang được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả (Trâm, 2015). KTQT trong các DN tại Mỹ đề cao vai trò của nhà quản trị cấp cao, nó được xem như là một công cụ chính thức dùng để bổ sung các thông tin quản lý còn thiếu sót vì vậy KTQT ở đây được thiết lập với mục đích phân tích thông tin phục vụ cho chức năng quản trị và đề cao tính chính xác cũng như tính hữu ích của thông tin hơn là việc thiết lập một hệ thống thông tin toàn diện.

KTQT trong các DN ở Pháp được tổ chức theo mô hình kế toán tách rời. Theo mô hình này, chi phí được chia ra theo các trung tâm trách nhiệm phụ trách quản lý, các trung tâm này có nhiệm vụ phân tích, đánh giá và tìm ra nguyên nhân làm sai lệch chi phí, cuối cùng cung cấp các thông tin này phục vụ cho kiểm tra, kiểm soát nội bộ từ đó lập ra dự toán cho các nội dung, các hoạt động theo nhu cầu quản trị (Trâm, 2015).

Ở Pháp, KTQT đang đặt trọng tâm vào việc xác định và kiểm soát chi phí trong các DN thông qua hệ thống thông tin định lượng mang tính kiểm soát nội bộ. Mặt khác, công tác KTQT ở Pháp có đặc trưng là có quan hệ mật thiết với chính sách kế toán chung, chịu sự can thiệp của Nhà nước bằng pháp luật do mục đích ban đầu mà KTQT hình thành là phục vụ cho các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước giám sát chi phí hoạt động của DN. Do vậy, KTQT của Pháp cũng như các nước châu Âu thường có tính chất khuôn mẫu và phát triển chậm hơn so với Mỹ.

Bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp ở Việt Nam

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác KTQT ở Mỹ và Pháp, có thể thấy về mặt lý thuyết, KTQT ở các nước đều có những bước phát triển tương tự nhau nhưng về mặt thực tế KTQT được áp dụng ở mỗi nước lại khác nhau. Trên cơ sở đó, tác giả rút ra bài học kinh nghiệp về KTQT cho DN Việt Nam như sau:

Thứ nhất, DN cần chú trọng tới các nội dung KTQT chi phí và kế toán trách nhiệm. Đối với KTQT chi phí, DN cần chú trọng tới việc phân loại chi phí. Đối với kế toán trách nhiệm, DN cần gắn trách nhiệm quản lý tài chính và phân cấp phân quyền.

Thứ hai, DN cần xác định việc lập dự toán là một trong những nhiệm có tính quyết định của quản trị kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu trong tương lai. Bản chất của dự toán chính là phân tích về triển vọng tương lai của DN  thông qua các số liệu có căn cứ.

Thứ ba, DN cần xác định chi phí theo phương pháp hiện đại trong phạm vi lợi ích hiệu quả mang lại nhằm phân bổ đúng chi phí và tính được giá thành sản phẩm một cách chính xác.

Thứ tư, đối với công tác tổ chức bộ máy KTQT, DN cần xác định áp dụng mô hình KTQT nào cho phù hợp, trên cơ sở đó, có sự điều chỉnh nhân sự, phân công công việc cụ thể, rõ ràng trong phòng kế toán.

Kết luận

KTQT là một bộ phận của hệ thống kế toán, có quan hệ chặt chẽ với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, được coi là công cụ hữu ích trong việc đạt được các mục tiêu đề ra của DN. Do đó, KTQT cần được các DN quan tâm và vận dụng vào thực tiễn hoạt động của mình. Từ thực tiễn KTQT tại Mỹ và Pháp cho thấy, để KTQT đạt hiệu quả, quan điểm của nhà quản trị cũng như nhận thức về vai trò của KTQT là đặc biệt quan trọng.

Ngoài ra, DN cần tập trung vào một số nội dung cơ bản của KTQT, công tác lập dự toán, phương pháp xác định chi phí hiện đại và tổ chức bộ máy KTQT để nâng cao chất lượng hoạt động KTQT làm cơ sở để DN phát triển bền vững.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nga, N. T. (2019), Nâng cao hiệu quả ứng dụng kế toán quản trị tại các DN Việt Nam. Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 10/2019;

2. Quốc Hội. (2015), Luật Kế toán hiện hành và Luật Kế toán 2015. NXB Chính trị quốc gia;

3. Trâm, L. T. (2015, 3 17). Đại học Duy Tân. -http://kketoan.duytan.edu.vn/
Home/ArticleDetail/vn/132/1667/bai-viet-ths.-le-thi-huyen-tram-timhieu-mo-hinh-ke-toan-quan-tri-cua-my-va-phap;

4. Anthony, R. (1956), Management Accounting. Homewood: Richard D. Irwin;

5. Atkinson, A. A., Kaplan, R. S., & Matsumura, E. M. (2011), Management Accounting: Information for Decision-Making and Strategy Execution. England: Pearson;

6. Bouquin, H. (1997), Management accounting in its social context: Rimailho revisited. Accounting, Business & Financial History, 7(3). 315-343.