Lý Quang Diệu - "Cha đẻ" của Singapore thịnh vượng
(Tài chính) Lý Quang Diệu thường nói rằng tài nguyên duy nhất của Singapore là người dân và tinh thần làm việc hăng say của họ. Ông nhận được sự kính trọng của nhiều người Singapore, đặc biệt là những người lớn tuổi.
Nội dung nổi bật:
- Lý Quang Diệu từng theo học ngành luật tại ĐH Cambridge và đã thành lập công ty luật nổi tiếng Lee&Lee
- Các con của ông hiện giữ các vị trí cao cấp trong chính quyền Singapore.
- Qua ba thập kỷ nhiệm quyền của Lý Quang Diệu, Singapore từ một quốc gia đang phát triển nay đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn.
Là lãnh đạo cấp cao nhất của Singapore từ năm 1959 đến 1990, Lý Quang Diệu là vị Thủ tướng phục vụ lâu nhất trong lịch sử của nước Cộng hòa Singapore. Mặc dù đã rời bỏ chức vụ thủ tướng, ông vẫn được xem là một chính trị gia có ảnh hưởng nhất tại đảo quốc này. Dưới thời của ông, Singapore đã trở thành quốc gia thịnh vượng nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Gia đình
Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923, trong một gia đình gốc Trung Quốc giàu có định cư ở Singapore từ thế kỷ 19. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông theo học ngành luật tại ĐH Cambridge (Anh). Năm 1950, ông kết hôn với bà Kha Ngọc Chi. Họ có hai con trai và một con gái.
Các con của ông hiện giữ các vị trí cao cấp trong chính quyền Singapore. Con trai cả Lý Hiển Long là Thủ tướng đương nhiệm. Con trai thứ hai là Lý Hiển Dương từng là CEO của hãng viễn thông SingTel. Con gái ông lãnh đạo Viện khoa học thần kinh quốc gia. Vợ của đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long là người lãnh đạo Temasek Holdings – tập đoàn đầu tư trực thuộc chính phủ Singapore và hiện có một số khoản đầu tư ở Việt Nam.
Sự nghiệp chính trị
Trước đây Singapore là thuộc địa của Anh và đây là nơi đặt căn cứ quân sự hải quân lớn nhất của Anh ở Viễn Đông. Lúc đó quốc đảo này được điều hành bởi Thống đốc và một hội đồng lập pháp chủ yếu gồm những doanh nhân Trung Quốc giàu có được chỉ định thay vì do dân bầu.
Trong thời kỳ đầu những năm 1950, ở Singapore rộ lên những cuộc thảo luận về cải cách hiến pháp và độc lập. Năm 1954, Lý Quang Diệu cùng với một nhóm bạn hữu thuộc giai cấp trung lưu có học vấn Anh, thành lập Đảng Hành động Nhân dân (PAP) và liên tục có những bước tiến lớn trên chính trường.
Cuối cùng, năm 1959, đảng của ông giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử và ông trở thành Thủ tướng đầu tiên của một nước Singapore độc lập.
Kinh tế Singapore “lột xác”
Ngay sau khi trở thành Thủ tướng, Lý Quang Diệu đã đưa ra kế hoạch 5 năm kêu gọi công nghiệp hóa, cải cách giáo dục, tăng quyền cho phụ nữ, hiện đại hóa đô thị và xây dựng các dự án nhà ở công.
Trong số các kế hoạch của ông còn có vụ sáp nhập Singapore và Malaysia. Năm 1962, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức với 70% cử tri bỏ phiếu ủng hộ nhập Singapore vào Malaysia. Tuy nhiên, xung đột giữa nhóm người Malay và người Hoa ngày càng tăng, khiến nhiều cuộc bạo động nổ ra ở Singapore.
Tháng 7/1965, ông buộc phải chấp nhận ký vào hiệp ước tách Singapore ra khỏi Malaysia. Sự kiện này là một cú sốc lớn đối với ông bởi ông quan niệm thống nhất là điều kiện quan trọng đối với sự tồn vong của Singapore. Không có tài nguyên thiên nhiên và khả năng phòng thủ hạn chế là những thách thức lớn đối với quốc đảo này.
Singapore cần một nền kinh tế khỏe mạnh để tồn tại như một quốc gia độc lập, và ông nhanh chóng triển khai kế hoạch chuyển đổi Singapore thành một nước chuyên xuất khẩu các sản phẩm đã hoàn thiện. Singapore cũng giành nhiều ưu đãi cho dòng vốn đầu tư nước ngoài và đảm bảo có thể nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Lý Quang Diệu đã điều hành đất nước hiệu quả mà mang đến cho Singapore sự thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử. Đến những năm 1980, Singapore đã có thu nhập bình quân đầu người cao thứ hai ở Đông Á, chỉ sau Nhật Bản, Đây cũng là trung tâm tài chính của Đông Nam Á.
Qua ba thập kỷ nhiệm quyền của Lý Quang Diệu, Singapore từ một quốc gia đang phát triển nay đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn.
Lý Quang Diệu thường nói rằng tài nguyên duy nhất của Singapore là người dân và tinh thần làm việc hăng say của họ. Ông nhận được sự kính trọng của nhiều người Singapore, đặc biệt là những người lớn tuổi, họ luôn nhớ đến khả năng lãnh đạo của ông trong thời kỳ độc lập và tách rời khỏi Malaysia.