Ma men dắt xe máy qua chốt kiểm tra nồng độ cồn có bị phạt không?


Theo Công an TP. Hà Nội, việc né tránh kiểm tra nồng độ cồn bằng phương thức dắt xe máy qua chốt có thể được coi là hành vi đối phó với lực lượng chức năng.

Theo Công an TP. Hà Nội, việc né tránh kiểm tra nồng độ cồn bằng phương thức dắt xe máy qua chốt có thể được coi là hành vi đối phó với lực lượng chức năng. Ảnh minh họa
Theo Công an TP. Hà Nội, việc né tránh kiểm tra nồng độ cồn bằng phương thức dắt xe máy qua chốt có thể được coi là hành vi đối phó với lực lượng chức năng. Ảnh minh họa

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Tùng (ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) thắc mắc: Nếu người điều khiển phương tiện uống rượu bia, khi thấy Cảnh sát giao thông hoặc chốt kiểm tra nồng độ cồn mới xuống dắt xe đi bộ có bị xử phạt không?

Theo Công an TP. Hà Nội, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng.

Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.

Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, người điều khiển mô tô, xe gắn máy… mà trong máu, trong hơi thở có nồng độ cồn hay chất kích thích sẽ bị xử lý theo quy định.

Công an TP. Hà Nội cho biết, đối chiếu các quy định trên, với những người dắt bộ xe máy không thuộc trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vì không ngồi trên xe để điều khiển phương tiện. Do đó, lực lượng chức năng không có căn cứ xử lý họ về vi phạm nồng độ cồn.

Tuy nhiên, theo Công an TP. Hà Nội, nếu người điều khiển phương tiện uống rượu bia khi thấy Cảnh sát giao thông hoặc chốt kiểm tra nồng độ cồn mới xuống dắt xe đi bộ nhằm né việc kiểm tra, thì đây có thể được coi là hành vi đối phó với lực lượng chức năng.

Trong trường hợp này, nếu có căn cứ trước đó người uống rượu bia điều khiển xe (như camera ghi lại hình ảnh trước đó người uống rượu bia mà vẫn lái xe), nhưng khi tới gần chốt kiểm tra nồng độ cồn lại xuống dắt xe máy thì Cảnh sát giao thông có thể kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe và xử phạt theo quy định.

Về chế tài xử phạt, theo điểm c, khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện sau khi sử dụng rượu bia là từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

“Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn và tạm giữ phương tiện vi phạm. Trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì có thể bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22-24 tháng”, Công an TP. Hà Nội cho biết.

Theo Báo Công Thương