M&A ngân hàng: Lành mạnh hệ thống mới là quan trọng
Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập vào cuối năm nay, nhiều ngân hàng Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm đối tác sáp nhập để nâng cao tiềm lực tài chính, quy mô vốn và mạng lưới hoạt động. Tuy nhiên, liệu đây có thực sự là vấn đề cốt lõi của các hoạt động mua – bán, sáp nhập (M&A)?
Sôi động thị trường mua - bán, sáp nhập
Nửa đầu năm nay, hàng loạt các thương vụ được công bố, như: Ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) về một nhà với Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank)…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo mua lại toàn bộ cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) với giá 0 đồng, như đã từng mua Ngân hàng Xây dựng hồi tháng 2 và mới đây là ngân hàng GP Bank.
Theo lộ trình thì việc tái cơ cấu theo hướng giảm từ hơn 30 ngân hàng thương mại xuống còn 15 ngân hàng thương mại đến năm 2017 nên số lượng ngân hàng sắp tới sẽ “biến mất” khỏi thị trường theo đề án tái cơ cấu là không hề nhỏ. Theo đó làn sóng sáp nhập, hợp nhất, mua bán trong lĩnh vực ngân hàng sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới, đặc biệt là 6 tháng cuối năm.
Bởi lẽ, hiện các ngân hàng cũng đang bước vào giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu nên đang đẩy mạnh hoạt động M&A và đây cũng là cách ngắn nhất để đưa tỷ lệ nợ xấu về 3% vào cuối năm 2015 theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và đang được cơ quan này thực hiện quyết liệt.
Với Nghị quyết từ đầu năm của Chính phủ đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước trong năm 2015 và với sự quyết tâm của người đứng đầu ngành ngân hàng, thì rất có thể thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến những thương vụ M&A bất ngờ trong thời gian tới.
Trong Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam công bố ngày 20/7/2015, Ngân hàng Thế giới nhận định, năm 2014, quá trình hợp nhất chủ yếu liên quan tới sáp nhập các ngân hàng nhỏ hơn (và hoạt động yếu kém hơn), còn năm 2015 chứng kiến nhiều thương vụ mua lại các ngân hàng nhỏ hơn của các ngân hàng thương mại nhà nước lớn. Theo Ngân hàng Thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2015, tiến độ hợp nhất ngân hàng được đẩy nhanh và mạnh.
Cần lành mạnh hệ thống ngân hàng
Sau các vụ sáp nhập, các ngân hàng có quy mô lớn hơn. Với Vietinbank, Chủ tịch Nguyễn Văn Thắng đầy tự tin tuyên bố tiếp tục là nhà băng có vốn chủ sở hữu đứng đầu hệ thống sau khi nhận thêm PG Bank. Theo đó, tổng tài sản của ngân hàng này sẽ tăng thêm 25.000 tỷ đồng, vốn thêm 3.000 tỷ đồng; nợ tín dụng tăng thêm 15.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng 18.000 tỷ đồng.
Việc Sacombank nhận sáp nhập Southern Bank mới đây được Phó chủ tịch Trầm Bê cho rằng, thương vụ thành công sẽ giúp Sacombank được sở hữu hệ thống chi nhánh hơn 600 điểm giao dịch trải dài trên cả nước và tại Campuchia, Lào (của Phương Nam hơn 140 điểm, Sacombank hơn 428 điểm) cùng hơn 4.000 nhân viên Southern Bank đã được đào tạo, mà nếu không sáp nhập, Sacombank nhiều khi bỏ ra 5.000-10.000 tỷ đồng cũng chưa chắc có được (Thanh Lan-Lệ Chi, 2015).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hầu hết các ngân hàng sau sáp nhập phải “ôm” và xử lý khối nợ xấu rất lớn nên đương nhiên khó đạt kế hoạch kinh doanh như kỳ vọng, thậm chí nhiều ngân hàng khổ vì khoản nợ xấu này, nó là yếu tố tác động rất tiêu cực đến lợi nhuận ngân hàng.
Bên cạnh đó, sự vênh nhau về năng lực, hệ thống công nghệ không đồng nhất và áp lực sụt giảm lợi nhuận... là những thách thức mà các ngân hàng buộc phải xử lý. Ví dụ: khi tiếp quản Habubank, nợ xấu của SHB từ dưới 3% ngay lập tức vọt lên tới hai con số. Ngay sau khi nhận Habubank, ngân hàng này chuyển từ lãi sang lỗ hơn 1.100 tỷ đồng hồi quý III/2012. Sau đó, SHB dần có lãi trở lại, nợ xấu cũng giảm dần từ 9%, 7% rồi 3%, nhưng cả lãnh đạo lẫn tập thể công nhân viên SHB chắc còn phải giải quyết lâu dài và tích cực hơn nữa vì nợ xấu của Habubank.
Hay, việc sáp nhập Southern Bank về Sacombank cũng khiến nhiều cổ đông lo lắng vì e ngạitỷ lệ nợ xấu khá cao. Nợ xấu Sacombank hiện là 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của Southern Bank cuối tháng 12/2013 công bố là 3,39%. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 10/7/2015 dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minhcho thấy, tỷ lệ nợ xấu thực tế tại Southern Bank tại thời điểm 30/6/2012 là 45,6%, tháng 11/2013 lên tới 55,31%.
Có thể thấy, việc M&A ngân hàng luôn đem đến cả thời cơ và thách thức đối với các ngân hàng và sự thành công của thương vụ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy, vấn đề quan trọng là hiệu quả phát huy của ngân hàng sau tái cơ cấu.
Đây là chủ trương lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giúp ngân hàng sau sáp nhập tăng trưởng vượt bậc về quy mô, cộng hưởng thế mạnh của cả hai, gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu trên thị trường, đồng thời giảm thiểu chi phí.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay quá trình làm lành mạnh hệ thống ngân hàng mới thật sự quan trọng, nhất là tư duy của các nhà lãnh đạo ngân hàng phải thay đổi. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng quá trình tái cơ cấu còn phải thay đổi quản trị rủi ro về tín dụng, thị trường và rủi ro hoạt động, tái cơ cấu nội bộ ngân hàng của mình.