Nhìn lại quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng
Tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng là nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã được xác định rõ trong Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án 254 “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”; sau đó, được khẳng định lại như một nội dung hợp thành của Đề án tổng thể tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2010 trong Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Tinh thần mà hai đề án này thể hiện là quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2012-2015 được tập trung vào nhiệm vụ giữ ổn định hệ thống, từng bước tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, xử lý nợ xấu, bảo đảm khả năng thanh toán, xử lý tình trạng sở hữu chéo và minh bạch hóa hoạt động tín dụng của hệ thống và từng tổ chức tín dụng.
Giai đoạn đến năm 2020, tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hiện đại, an toàn, đa dạng về cấu trúc sở hữu, quy mô và loại hình, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên nền tảng công nghệ và kỹ năng quản trị tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế; Nâng cao vai trò chi phối của các TCTD Việt Nam, đặc biệt là các NHTM nhà nước; Rà soát và phân loại các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, và các TCTD khác để có biện pháp xử lý thích hợp; Chấn chỉnh hoạt động của các TCTD vi mô và tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD nước ngoài hoạt động và cạnh tranh bình đẳng ở Việt Nam.
Trên thực tế, để triển khai nhiệm vụ theo tinh thần Đề án 254 trên đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành phân loại hệ thống NHTM thành ba nhóm:
Nhóm 1, gồm các NHTM có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực quy mô đủ lớn để phát triển thành các ngân hàng trụ cột trong hệ thống;
Nhóm 2, gồm các NHTM có tình hình tài chính lành mạnh, nhưng qui mô nhỏ;
Nhóm 3, gồm các NHTM có tình hình tài chính khó khăn, buộc phải thực hiện tái cơ cấu.
Năm 2012, NHNN tập trung củng cố thanh khoản hệ thống ngân hàng, lành mạnh hóa hoạt động tài chính của các NHTM mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính và tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng.
Năm 2013, NHNN chuyển sang giai đoạn hai của nhiệm vụ lành mạnh hóa tài chính hệ thống ngân hàng với việc tăng cường xây dựng các qui định về an toàn vốn, xử lý nợ xấu hệ thống qua việc thành lập VAMC và tăng cường quản trị rủi ro, hướng đến chuẩn mực Basel II.
Ngay trong hai năm 2012 và 2013, có chín NHTM nhỏ đã được đưa vào chương trình phải thực hiện tái cơ cấu bắt buộc thông, qua các biện pháp khác nhau, như hợp nhất (SCB, Ficombank, TinnghiaBank), sáp nhập (Habubank vào SHB), và tự tái cơ cấu (TienphongBank, TrustBank, Navibank, Westernbank và GP Bank).
Năm 2015, NHNN đang và sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn giai đoạn 2 với trọng tâm tái cơ cấu, sáp nhập và xử lý nợ xấu. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ hoạt động sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích, chiến lược kinh doanh của từng NHTM và bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, NHNN sẽ xem xét áp dụng biện pháp can thiệp, thông qua mua cổ phần và sáp nhập bắt buộc một số NHTM “dưới chuẩn”, với sự tham gia tích cực của các NHTM Nhà nước và mở cửa nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo kế hoạch của NHNN, trong năm 2015 sẽ có khoảng 6-7 vụ M&A bắt buộc và có thể thêm nhiều vụ M&A tự nguyện khác, để tới năm 2017, cả nước còn lại khoảng hơn 20 NHTM mạnh. Trong quý II/2015, thông qua M&A, hệ thống ngân hàng đang thực hiện cơ cấu lại với một số ngân hàng (NH) sáp nhập như Sacombank – Southernbank, Vietinbank–PGBank, BIDV–MHB, Vietcombank – SaigonBank, Maritime Bank – MekongBank, Eximbank - NamAbank.
Từ năm 2012 đến nay, hệ thống NHTM và TCTD đã giảm bớt năm NHTMCP qua hoạt động sáp nhập, hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á) và NHNN đã mua lại với ba NHTMCP (VNCB, OceanBank và GPBank).
Đồng thời, hai công ty tài chính đã được hợp nhất, giải thể; một công ty cho thuê tài chính bị rút giấy phép; một công ty tài chính đã được NHNN ủng hộ chủ trương bán lại cho tổ chức khác. Hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam có một NHTM nhà nước (Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam), 37 ngân hàng TMCP (kể cả ba NHTM đã bị NHNN mua lại với giá 0 đ), năm ngân hàng 100% vốn nước ngoài, bốn ngân hàng liên doanh, một ngân hàng chính sách và một ngân hàng hợp tác xã.
Một số TCTD phi ngân hàng quá yếu kém, chi phí cơ cấu lại quá lớn so với lợi ích đem lại từ việc duy trì hoạt động đang được tiếp tục rà soát, đánh giá và xem xét xử lý. Một số tập đoàn và tổng công ty nhà nước đang trong quá trình đàm phán bán lại công ty tài chính cho nhà đầu tư khác. Những TCTD phi ngân hàng hoạt động bình thường cũng đang triển khai cơ cấu lại theo Quyết định số 254/QĐ-TTg để nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Đối với quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương đã hoàn thành việc chuyển mô hình hoạt động thành Ngân hàng Hợp tác xã nhằm thực hiện tốt mục tiêu liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND, góp phần giúp các QTDND cơ sở hoạt động hiệu quả theo nguyên tắc hợp tác xã.
Nhìn chung, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD tiếp tục được thực hiện theo đúng Đề án đã được phê duyệt, trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, an toàn hệ thống TCTD và khả năng chi trả của các TCTD được đảm bảo.
Các ngân hàng thương mại đang đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và là đối tượng chính của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015.
Chương trình cơ cấu lại hệ thống tín dụng-ngân hàng dường như thu được nhiều kết quả ấn tượng hơn cả trong ba trọng tâm tái cơ cấu thời gian qua, với những điểm nhấn đặc biệt là: Hệ thống NHTM đã ngày càng cải thiện được tính thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống; giảm sở hữu chéo trong hệ thống NHTM nói chung và hệ thống tín dụng nói riêng, giúp các ngân hàng tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc.
Thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn. Hoạt động tại thị trường liên ngân hàng đã bình thường trở lại với lãi suất liên ngân, hàng lãi suất huy động và cho vay đều giảm mạnh. Các TCTD đã mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ để đầu tư và dự phòng thanh khoản. Năm 2012, vốn điều lệ toàn hệ thống tăng 11,29% và đến cuối năm 2013 vốn điều lệ của toàn hệ thống là 423,98 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8 nghìn tỷ đồng (8,12%) so với cuối năm 2012...
Đặc biệt, niềm tin của người dân và thị trường vào VND và cam kết của NHNN được củng cố và bảo đảm, không hề có hiệu tượng rút tiền ồ ạt tại các NHTM hợp nhất, sáp nhập, bị mua lại. Bên cạnh đó, xu hướng các NHTM nội địa giảm số lượng, gia tăng về chất lượng đã được thể hiện rõ nét, nhưng không vì thế mà quy mô thị trường và thị phần bị thu hẹp lại.
Nợ xấu từng bước được giải quyết hiệu quả. Các ngân hàng cũng đã từng bước tiếp cận các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ, quản trị, minh bạch thông tin…, đồng thời, từng bước củng cố, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình và toàn hệ thống.
Ngoài ra, một thành công khác không thể không nhắc đến đó là sự cải thiện đáng kể của hệ thống pháp lý, tạo “đường ray” thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đi nhanh và đúng hướng, đồng thời, mở rộng “cửa” hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài các văn bản liên quan tới hoạt động của VAMC, để hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại các TCTD và bảo đảm cho các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, Chính phủ và NHNN đã ban hành các văn bản như: Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định số 01/2013/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt; các Thông tư của NHNN bao gồm các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro (Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013); kiểm soát, toán độc lập, cấp phép; quản lý mạng lưới; niêm yết cổ phiếu của các TCTD trên thị trường chứng khoán; ngân hàng hợp tác xã; mua, bán nợ xấu; kiểm soát đặc biệt TCTD...
Bên cạnh đó, NHNN đã và đang khẩn trương hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý về thanh tra, giám sát; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; ủy thác, nhận ủy thác, quy định về quản lý rủi ro của các TCTD…
Thực tế đã ghi nhận nhiều thành công lớn, đồng thời có nhiều cơ sở để tin tưởng và kỳ vọng vào triển vọng tích cực trong tái cơ cấu hệ thống NHTM và TCTD, nhất là khi giải quyết tốt hơn vấn đề về nợ xấu và sở hữu chéo, nâng cấp chất lượng thể chế và trình độ, năng lực quản lý, quản trị rủi ro và giám sát an toàn hệ thống.