“Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng: Nỗi lo thời công nghệ
Không chỉ “loạn” thị trường bởi những công dụng bị thổi phồng, việc kiểm soát thực phẩm chức năng (TPCN) vẫn còn nhiều khoảng trống, đặc biệt, trên môi trường không gian mạng…
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, đơn vị này đã xử phạt 45 Công ty sản xuất, kinh doanh TPCN vi phạm, với số tiền phạt lên tới hơn 2,6 tỷ đồng.
Sai phạm chủ yếu được các cơ quan quản lý chỉ ra đó là những hành vi quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh… Đặc biệt, những sai phạm này tồn tại chủ yếu trên môi trường không gian mạng.
Thực tế, bán TPCN online trên website và mạng xã hội đang là một trong những hình thức phổ biến hiện nay, bởi chỉ với những lời quảng cáo “có cánh”, thổi phồng công dụng sản phẩm đã có thể dẫn dụ người tiêu dùng “sập bẫy” chỉ với một vài click chuột.
Trong đó, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình quảng cáo trực tuyến như: google, facebook,… trong thời kỳ 4.0 lại càng trở thành môi trường lý tưởng cho các loại quảng cáo TPCN vô tư vi phạm.
TPCN được kinh doanh trên môi trường không gian mạng, hầu hết được quảng cáo như một phương thuốc đặc trị, hữu dụng cho nhiều căn bệnh với các cụm từ: “khắc tinh”, “đặc trị”, “thần dược”… Không chỉ có vậy, để tăng tính thuyết phục, nhiều quảng cáo của các loại sản phẩm này còn được đầu tư lồng ghép bằng các hình ảnh của người tiêu dùng, người nổi tiếng, các y, bác sỹ… tư vấn, trải nghiệm công dụng... Tuy nhiên, cái giá người tiêu dùng nhận lại, đa phần rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Trong khi đó, để quản lý loại hình kinh doanh này, gần như vẫn còn nhiều khoảng trống đáng bàn, theo những thông tin với báo chí trước đó, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Cục ATTP) - Nguyễn Thanh Phong cũng từng chia sẻ: việc quản lý các website, mạng xã hội không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế nên Cục ATTP đôn đốc, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu các doanh nghiệp, website quảng cáo TPCN sai phạm phải gỡ bỏ nội dung quảng cáo không đúng… Còn việc họ có thực hiện hay không lại là chuyện khác(?).
Thời gian qua, khi loại hình bán hàng online trở thành cao trào, liên tiếp trên cổng thông tin của mình, Cục ATTP cũng đã đưa ra nhiều thông tin khuyến cáo về các sản phẩm vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng để cảnh báo, tuy nhiên, những vi phạm về quảng cáo TPCN trên môi trường không gian mạng vẫn rầm rộ như nấm sau mưa.
Đáng nói, nhiều sản phẩm TPCN bị phát hiện có sai phạm trên một số website, mạng xã hội, thế nhưng khi cơ quan quản lý làm việc, các doanh nghiệp hầu như phủ nhận và biện minh “sản phẩm của họ nhưng các quảng cáo vi phạm họ không biết của ai”(?).
Thông tin với báo chí, Cục trưởng Cục ATTP - Nguyễn Thanh Phong cho biết, nguyên tắc đối với TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là trước khi lưu thông ra thị trường đều phải được thẩm định về mặt an toàn, công dụng sản phẩm, tuy nhiên, nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe nhưng không công bố, không đăng ký với các cơ quan quản lý Nhà nước đều được bán công khai trên các trang mạng, đó là lưu hành sản phẩm bất hợp pháp.
Cũng theo ông Phong, nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo, nhiều người tham gia vào quảng cáo này cũng không hiểu biết hết các quy định của pháp luật nên vô hình chung tiếp tay cho sai phạm.
“Thực trạng quản lý TPCN đang diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ quảng cáo qua mạng xã hội, website, nhiều Công ty, cá nhân hiện nay còn tổ chức tư vấn sản phẩm TPCN qua điện thoại, trên các website hay tổng đài tư vấn, họ “tự nhận” là dược sĩ, bác sĩ nhưng thực tế qua các cuộc kiểm tra, hầu hết những người này đều không có kiến thức về dinh dưỡng, sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí chưa tốt nghiệp,… tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, kinh tế cho người sử dụng”, một cán bộ Quản lý thị trường quan ngại.